Trong phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua về gói hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại nguồn lực hỗ trợ sẽ đi vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán nếu Chính phủ không có cơ chế kiểm soát.
Theo đó, một số đại biểu đã đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán, bất động sản và kinh doanh trên nền tảng số... nhằm tránh ngăn chặn sự rủi ro trên.
Về đề xuất này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện thuế chuyển nhượng chứng khoán với doanh nghiệp là 20% thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng; doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán. Mức thuế chuyển nhượng bất động sản với cá nhân là 2% giá trị hợp đồng; doanh nghiệp là 20% thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng.
Bộ trưởng Tài chính nói:”Thị trường chứng khoán hiện đang phát triển tốt và là kênh hút vốn quan trọng. Năm 2021 thị trường này đem về nguồn huy động khoảng 7,77 triệu tỷ đồng, chiếm 92,5% GDP”.
Do vậy, ông đề nghị giữ nguyên mức thuế chuyển nhượng với chứng khoán. Còn việc chuyển nhượng bất động sản cá nhân thì yêu cầu nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế.
Trong khi đó, nhà chức trách sẽ tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp; truy thu thuế với kinh doanh trên nền tảng số, không phân biệt trong hay ngoài nước.
Còn thu thuế trên nền tảng số, Bộ trưởng Tài chính cho biết, cơ quan này đang truy thu mà không phân biệt nền tảng số trong hay ngoài nước.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy chỉ thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán tính riêng trong nửa đầu năm 2021 tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ; thu từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng 70% lên 11.000 tỷ đồng.