Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành đang tập trung chuẩn bị tốt nhất để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những ngày tới bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng, khách quan.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022- 2023. Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa.
Trước đề xuất trên, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Trước đó, Hải Phòng là địa phương đầu tiên tiến hành miễn 100% học phí cho học sinh từ cấp mầm non đến THPT. Cụ thể, từ năm học 2020-2021, học sinh mầm non và THCS ở TP Hải Phòng được miễn 100% học phí. Riêng học sinh THPT miễn học phí từ năm học 2021-2022.
Miễn học phí cấp THCS không phải đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo Năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình.
Trong đó, nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học.