Chiều 15/12, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, sau hơn 8 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Thụy Sĩ, Úc … .
Tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2021. Trong đó có 06 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam.
Kết quả này đưa Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua một Cổng thông tin điện tử trực tuyến. Đây là bước chuyển quan trọng khẳng định chủ quyền quản lý thuế của Quốc gia đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Bằng Thắng cho biết thêm, quản lý doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam không chỉ thực hiện chức năng quản lý thu thuế mà đòi hỏi sự vào cuộc của hệ thống chính trị và người sử dụng dịch vụ.
Thời gian tới, Cục Thuế doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để quy định và hướng dẫn việc tuân thủ; xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big data) phục vụ phân tích, quản lý thuế theo nguyên tắc rủi ro.
Việc chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho Cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về hoạt động, giao dịch của hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho hay, quản lý doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam giao thoa giữa nhiều bộ, ngành, môi trường số cần sự liên thông, liên kết chặt chẽ và đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước không thể hoạt động độc lập mà phải có sự phối hợp đồng bộ.
Liên quan đến việc quản lý thông tin, dữ liệu độc xấu các quảng cáo, phần mềm, trò chơi online có nội dung trá hình, xuyên tạc về chính trị, văn hóa phẩm đồi trụy, cờ bạc…, ngành thuế đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt quản lý cấp phép dịch vụ cung cấp đường truyền, cung cấp các dịch vụ chuyên ngành liên quan đến điện toán đám mây, nội dung quảng cáo… cũng như Bộ Công an có chế tài quản lý các phần mềm, trò chơi online, trang web kinh doanh độc hại, khi phát hiện cần xử lý triệt để, đúng pháp luật.
Trong dài hạn, ngành thuế sẽ khuyến khích các nhà cung cấp nước ngoài khai thuế qua đại lý thuế, từ đó tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước nước ngoài thông qua hồ sơ và tài liệu tại đại lý thuế.
Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ kỹ thuật số sẽ được tiến hành chủ yếu tại trụ sở cơ quan thuế qua việc đối chiếu dữ liệu từ sàn giao dịch, dữ liệu thanh toán của ngân hàng và dữ liệu do người nộp thuế kê khai.
Với tính chất phức tạp, thay đổi liên tục của lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Thuế doanh nghiệp lớn xác định tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tất yếu khách quan trên con đường phát triển kinh tế.
Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được xây dựng trên nguyên tắc công bằng, thống nhất, đồng bộ, thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương có liên quan và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát và hỗ trợ người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế; đảm bảo môi trường thuận lợi, khuyến khích sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có tính chất răn đe, xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của người nộp thuế.