Việt Nam đã xây dựng lộ trình, các doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch để triển khai tắt sóng 2G, tạo điều kiện để mạng 5G phát triển, đáp ứng các nhu cầu phát triển của công nghệ và xã hội.
Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam còn 15 triệu thuê bao 2G. Từ ngày 1/3/2024, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng không cho phép nhập mạng mới với điện thoại 2G-Only. Theo đó, các nhà mạng không cho phép nhập mạng mới với điện thoại 2G-Only, không thuộc danh sách chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Hiện, các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng kế hoạch dừng thuê bao 2G. Theo đó, số lượng thuê bao 2G đang giảm dần. Theo thống kê, trong vòng 3 ngày (từ 1/3-3/3), 5.400 máy thuê bao 2G-Only không hợp chuẩn đã không được vào mạng.
Về việc tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tuyên truyền các chính sách của thông tư số: 43/2020/TT-BTTTT về các thiết bị đầu cuối 2G sẽ không được hòa mạng. Những thiết bị di động phím bấm được hỗ trợ 4G chỉ sử dụng nghe - gọi vẫn sẽ vẫn hoạt động.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, quyết định này được đưa ra do các thuê bao hòa mạng mới (đối với mạng 2G) vẫn ở mức cao, với khoảng 300.000 điện thoại 2G mỗi tháng.
Trong khi đó, số lượng thuê bao 2G giảm chỉ khoảng 1%/tháng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G, vì số lượng thuê bao chưa giảm nhanh như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Phong Nhã còn cho hay, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tính đến phương án sử dụng nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn vốn hỗ trợ từ các địa phương… để giúp người dân chuyển đổi sang smartphone.
Hiện, Cục Viễn thông cùng các doanh nghiệp, nhà mạng đang tiến hành rà soát lại thực trạng các giải pháp dừng 2G, chuyển đổi 2G sang 4G, hỗ trợ người dân chuyển đổi thiết bị. Việc chuyển điện thoại 2G sang điện thoại thông minh để sử dụng những tính năng hiện đại của điện thoại thông minh, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và các nhu cầu kết nối mạng, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.
Về vấn đề thương mại hóa 5G, đại diện Cục Viễn thông cho biết, mạng 5G đã được các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam thử nghiệm trong nhiều năm.
Theo xu hướng, doanh thu của dịch vụ viễn thông truyền thống ngày càng giảm, các dịch vụ khai thác nội dung trên trực tuyến mạng internet (OTT) dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp thay thế đang đi lên phục vụ về nhu cầu, chất lượng của người dùng.
Ông Nhã cũng cho biết, trong 2 năm đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ triển khai 3.000 trạm thu phát sóng 5G. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển các khu công nghiệp, khu vực 4G đang nghẽn về lưu lượng như thành phố, khu vực đông dân cư. Ngoài ra, 5G có các tính năng như tốc độ cao, độ trễ thấp, vì thế, các nhà mạng sẽ tìm ra các cơ hội kinh doanh mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.