Nghiên cứu mới phân tích dữ liệu của gần 154.000 cựu chiến binh Mỹ nhiễm COVID-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021 và còn sống ít nhất 30 ngày sau khi nhiễm bệnh. Nghiên cứu cũng chọn ra hai nhóm đối chứng: 5,6 triệu người sử dụng dịch vụ chăm sóc của Bộ Cựu chiến binh (VA)trong đại dịch và không mắc COVID-19; và 5,9 triệu người sử dụng dịch vụ chăm sóc của VA trong năm 2017. (Một hạn chế là đối tượng cựu chiến binh không đa dạng, thường là nam giới lớn tuổi, da trắng. Trong cả ba nhóm, khoảng 90% số bệnh nhân là nam giới và 71% đến 76% là người da trắng. Trung bình, bệnh nhân ở độ tuổi đầu 60.)
Kết quả, COVID-19 làm tăng nguy cơ của tất cả 20 bệnh tim mạch - bao gồm đau tim, loạn nhịp tim, đột quỵ, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, suy tim, bệnh viêm tim, ngừng tim, thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Những cựu chiến binh từng bị COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau 12 tháng cao hơn 63% so với những người trong nhóm đối chứng chưa từng bị COVID-19. Để ước tính gánh nặng bệnh tim mạch gia tăng do COVID-19, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng: giữa hai nhóm, mỗi nhóm 1.000 người, thì nhóm từng bị COVID-19 sẽ có thêm 45 người mắc bệnh tim mạch so với nhóm chưa từng bị.
Mỗi bệnh tim mạch cụ thể có nguy cơ gia tăng khác nhau sau COVID-19. Chẳng hạn, nguy cơ rối loạn mạch máu não tăng 52%, nguy cơ suy tim tăng 72%, nguy cơ viêm tim hoặc màng ngoài tim tăng 85%, nguy cơ loạn nhịp tim tăng 71%.
Cơ chế gây bệnh
Vẫn chưa rõ SAR-CoV-2 gây ra thiệt hại tim mạch theo cơ chế nào. Một khả năng là tình trạng viêm các tế bào nội mô lót bên trong tim và mạch máu, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn còn một danh sách các lý giải khác, bao gồm tổn thương kéo dài do virus xâm nhập trực tiếp vào cơ tim, mức độ protein cytokine tăng cao do phản ứng viêm dẫn đến sẹo ở tim, và virus tồn tại dai dẳng ở những vị trí mà hệ thống miễn dịch không thể xử lý. "Tất cả đến nay vẫn chỉ là suy đoán hoặc giả thuyết," theo Ziyad Al-Aly, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington và giám đốc nghiên cứu tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St. Louis.
Nghiên cứu cho rằng các nguy cơ về tim mạch cũng nằm trong hội chứng COVID kéo dài (bao gồm mệt mỏi, suy nhược, mất khứu giác, mất tập trung).
“Nếu ai đó nghĩ rằng COVID giống như bệnh cúm thì đây là một trong những bộ dữ liệu mạnh mẽ nhất để cảnh tỉnh. Tất cả những bệnh tim mạch được xem xét trong nghiên cứu đều là những rối loạn rất nghiêm trọng," Eric Topol, bác sĩ tim mạch tại Viện Scripps Research, cho biết. Topol nói thêm rằng nghiên cứu mới “có thể là bài báo về COVID kéo dài ấn tượng nhất từ trước đến nay".
Những người khác đồng ý rằng kết quả của nghiên cứu, công bố trên tạp chí Nature Medicine vào ngày 7/2, là rất thuyết phục. Thậm chí, “trong kỷ nguyên hậu COVID, COVID có thể trở thành yếu tố chính gây bệnh tim mạch," Larisa Tereshchenko, bác sĩ tim mạch và nhà thống kê sinh học tại Phòng khám Cleveland, người gần đây tiến hành một cuộc điều tra tương tự nhưng nhỏ hơn, cho biết. Tuy nhiên, Tereshchenko lưu ý rằng nghiên cứu mới mang tính chất hồi cứu, do đó có thể bao gồm những điểm không chính xác, chẳng hạn như chẩn đoán bệnh không chính xác. “Chúng ta phải thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để đưa ra các ước tính chính xác hơn."