Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 9358 về việc nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, ý kiến các Bộ: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp về nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành không đồng ý nhập khẩu và khai thác các toa xe này.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất cho phép nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng khoảng 40 năm của Nhật Bản. Các toa xe này được đối tác của Tổng công ty là Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao miễn phí cho Tổng công ty nếu có nhu cầu và Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định của Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt quy định rõ: Đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị: Không quá 40 năm. Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.
Theo các quy định trên, 37 toa xe này vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm, vừa không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 6/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết 37 toa tàu này được sản xuất ở giai đoạn 1979-1982, chạy dầu diesel. “Sau khi nhận văn bản của Văn phòng Chính phủ, chúng tôi đã rất nghiêm túc lấy ý kiến của các bộ, ngành", ông Đông nói.
Dẫn Nghị định 65 của Chính phủ, ông Đông cho biết đối với phương tiện đường sắt, thì thời hạn sử dụng phải dưới 10 năm đối với toa xe và đầu máy chở khách.
Vì vậy, những toa xe sản xuất giai đoạn 1979-1982 không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật. Ngoài ra, khổ đường sắt của Nhật Bản cũng không phù hợp với khổ đường sắt hiện tại của Việt Nam, như vậy khi nhập về phải điều chỉnh, đăng kiểm lại. Chi phí này mất khoảng 140 tỷ đồng theo tổng công ty báo cáo, chưa kể chi phí nhập khẩu, bến bãi, vận chuyển.
“Quan điểm của Bộ GTVT là không đồng thuận với đề xuất này”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.