Các cáo buộc về tính năng "nhận diện khuôn mặt" của Facebook đã xuất hiện từ năm 2015. Tính năng này đã vi phạm Đạo luật bảo mật thông tin sinh trắc học (BIPA) của bang Illinois. Đạo luật này nghiêm cấm việc sử dụng, thu thập các thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt mà không có sự cho phép.
Tháng 4/2018, Tòa án Liên bang Mỹ đã thụ lý vụ kiện tập thể, tố cáo Facebook sử dụng trái phép tính năng "nhận diện khuôn mặt" mà không có sự cho phép của người dùng.
Hiện tại, nếu bạn không cài đặt "Nhận diện khuôn mặt", Facebook cho biết bạn sẽ nhận được thông báo về tính năng này trong News Feed và cung cấp cho bạn tùy chọn bật hay tắt. Đáng chú ý, Facebook cho biết người dùng mới cũng sẽ bị tắt nhận diện khuôn mặt theo mặc định, tùy chọn sẽ có sẵn trong menu cài đặt.
Bạn bè vẫn có thể gắn thẻ bạn bằng cách thủ công, thay vì được đề xuất tự động dựa trên việc nhận diện khuôn mặt như trước. Những thay đổi này sẽ được áp dụng cho người dùng trên toàn cầu.
Facebook đã gặp rắc rối pháp lý trong quá khứ vì không tiết lộ các hoạt động nhận diện khuôn mặt. Vào tháng 8, Facebook đã thua trong một kháng cáo liên bang sau khi tòa án tìm thấy bằng chứng công ty thu thập và lưu trữ dữ liệu sinh trắc học mà không có sự đồng ý của người dùng. Công ty có thể phải trả hàng tỷ đồng nếu thua kiện.
Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ hôm 12/7 đã bỏ phiếu phê chuẩn án phạt tài chính 5 tỷ USD đối với việc Facebook vi phạm quyền riêng tư khách hàng trong vụ bê bối với công ty tư vấn Cambridge Analytica.
Theo Guardian, đây là án phạt nặng nhất mà nhà chức trách Mỹ dành cho một công ty công nghệ, cũng như vi phạm về quyền riêng tư.
Nếu phán quyết chống lại Facebook được đưa ra, các mạng xã hội lớn khác như Twitter, Google Photo... cũng bị ảnh hưởng, bởi đây là một tính năng đang được nhiều hãng công nghệ sử dụng.