Theo Reutes, điều này cũng có nghĩa là Google sẽ không hợp tác với Huawei bằng cách chuyển giao phần mềm, phần cứng và hỗ trợ họ về mặt công nghệ nữa.
Huawei từ nay sẽ chỉ được phép sử dụng phiên bản public của Android và sẽ phải tìm những nguồn công nghệ mã nguồn mở, hoặc tự mình phát triển công nghệ để tiếp tục tạo ra những smartphone mới, cũng như những thiết bị công nghệ họ phát triển cùng sự giúp đỡ của Google.
Điều này cũng có nghĩa các mẫu smartphone của Huawei đang bán trên thị trường quốc tế không thể truy cập được vào Google Play, YouTube hoặc Gmail...
Được biết, bản thân Huawei cũng đang tự phát triển hệ điều hành riêng trong trường hợp các tập đoàn Mỹ hợp tác với họ quyết định cắt đứt quan hệ. Điều này có thể giúp Huawei đứng vững ở thị trường quê nhà nhưng tại thị trường quốc tế, nếu Huawei không sử dụng Android thì sẽ rất khó cạnh tranh với hai đối thủ quan trọng là Samsung và Apple. Cách đây không lâu, Huawei cũng "tự tin" rằng mình sẽ sớm trở thành hãng sản xuất di động lớn nhất thế giới, nhưng với việc không còn được Google hỗ trợ thì điều này rất khó thành hiện thực.
Thêm vào đó, hiện vẫn chưa rõ việc Mỹ cấm Huawei sẽ ảnh hưởng ra sao đến hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, mảng phát triển chip xử lý của Huawei sẽ không thể nào tiếp tục hoạt động hiệu quả như hiện tại nếu không có sự giúp đỡ của phía các doanh nghiệp Mỹ.
Hồi tháng 3, Eric Xu, chủ tịch luân phiên của Huawei tuyên bố thẳng thắn: “Google hay cộng đồng Android hoàn toàn không có quyền cấm chúng tôi sử dụng những tài nguyên mã nguồn mở”. Ông này nói đúng, nhưng động thái của Google đồng nghĩa với việc, kể từ giờ, tất cả những thiết bị smartphone của Huawei sẽ không có Gmail, YouTube, Chrome, và cũng sẽ không có luôn cả Google Play Store để người dùng cài các ứng dụng vào máy. Nhiều khả năng những thiết bị hiện tại của Huawei bán ra trước ngày Google tuyên bố cắt đứt quan hệ đối tác sẽ không gặp ảnh hưởng.
Vào hôm 16.5, Huawei Technologies Co Ltd bị liệt vào danh sách đen những công ty không được buôn bán với đối tác Mỹ. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang cân nhắc việc hạ thấp lệnh cấm đối với Huawei để “ngăn chặn sự gián đoạn trong việc cung cấp thiết bị và vận hành hệ thống viễn thông đang có”.
Theo Google, có khoảng 2,5 tỉ thiết bị Android trên toàn thế giới và Huawei là một trong số những tập đoàn có số lượng máy Android nhiều nhất.
Trong tương lai gần, điều này có thể gây tổn hại rất lớn cho Huawei ở phương Tây.
Người mua điện thoại thông minh sẽ không muốn sở hữu một điện thoại Android thiếu quyền truy cập vào Cửa hàng Play của Google, trợ lý ảo hoặc cập nhật bảo mật, giả định đây là một trong những dịch vụ sẽ được rút.
Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể khiến các hãng sản xuất điện thoại thông minh nói chung có lý do để xem xét nghiêm túc sự cần thiết phải thay thế hệ điều hành của Google, đặc biệt tại thời điểm gã khổng lồ này đang tìm cách đẩy mạnh thương hiệu điện thoại Pixel của họ.
Về phía Huawei, có vẻ như họ đã chuẩn bị cho trường hợp bị cắt khỏi ngành công nghệ thông tin của Mỹ.
Điện thoại thông minh của họ đã sử dụng bộ xử lý độc quyền của riêng Huawei và đầu năm nay, giám đốc thiết bị tiêu dùng của hãng nói với tờ báo Đức Die Welt rằng "chúng tôi đã chuẩn bị các hệ điều hành riêng - đó là kế hoạch B của chúng tôi".
Mặc dù vậy, động thái này của Google có thể thổi bay tham vọng vượt mặt Samsung và trở thành thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất vào năm 2020 của Huawei.