Huawei đang nỗ lực kiếm tiền từ các bằng sáng chế của mình thông qua các thỏa thuận cấp phép với các công ty nước ngoài, sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt hoạt động kinh doanh smartphone của hãng.
Ngày 22/12, Huawei cho biết đã gia hạn thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế với đối thủ Phần Lan - Nokia, nhưng không tiết lộ các điều khoản của thỏa thuận. Hai nhà sản xuất thiết bị mạng đã ký một thỏa thuận cấp phép vào năm 2017.
Còn theo PhoneArena, Huawei hiện được phép sử dụng các phiên bản 4G của chip Snapdragon hàng đầu từ Qualcomm. Ngoài ra, công ty cũng được cấp bằng sáng chế để phát triển máy in khắc tia cực tím (EUV) của riêng mình. EUV sẽ được sử dụng để khắc các mẫu mạch trên tấm wafer, cùng với hàng tỉ bóng bán dẫn bên trong chip.
Công ty Hà Lan ASML là nhà cung cấp máy in thạch bản EUV hàng đầu, nhưng họ không được phép bán máy cho Trung Quốc. Bằng sáng chế của Huawei có thể giúp SMIC cạnh tranh với TSMC và Samsung Foundry. SMIC hiện chỉ giới hạn ở quy trình 7nm cho chip smartphone.
Được biết, trong năm nay Huawei đã ký hoặc gia hạn 20 thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế mới hoặc thỏa thuận mở rộng với các công ty trong các ngành bao gồm điện thoại thông minh, ô tô và viễn thông.
Ngoài ra, có một số công ty đang liên hệ với Huawei là các nhà sản xuất ô tô không phải của Mỹ muốn cải thiện khả năng liên lạc trên ô tô của họ, bao gồm Mercedes-Benz, Audi, Porsche và BMW.
Nhìn chung, ngay cả khi Huawei đang sản xuất ít thiết bị hơn, họ vẫn được trả tiền từ các thỏa thuận cấp phép chéo của mình.
Alan Fan, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ của Huawei, chia sẻ các công nghệ của hãng đang hỗ trợ ngành ô tô và các ngành công nghiệp dọc khác trong quá trình số hóa. Tiền bản quyền mà Huawei nhận được sẽ tài trợ cho nỗ lực R&D của công ty.
Năm 2021, Huawei nộp kỷ lục 6.952 đơn xin cấp bằng sáng chế, tăng 27% so với năm 2020, thông qua Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT). Như vậy, Huawei trở thành công ty nộp hồ sơ PCT lớn nhất thế giới trong 5 năm liên tiếp. Công ty đứng đầu về số bằng sáng chế được cấp cho các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc vào năm 2021, tiếp theo là gã khổng lồ Internet Tencent và Oppo, theo báo cáo của Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc hồi đầu tháng này.