Tăng tốc
Những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc CNC Tech liên tục nhận được điện thoại, email từ các công ty Nhật Bản mong muốn đặt hàng hoặc liên doanh liên kết với CNC Tech trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. “Nếu như trước đây, phải mất từ 6 tháng tới 1 năm hai bên mới có thể đi tới hợp tác, giờ đây chỉ mất từ 1 đến 2 tháng", ông Hùng nói.
Mới đây, Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ đô la Mỹ trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Tokyo Shoko cũng cho thấy 37% trong tổng số 2.600 doanh nghiệp được khảo sát muốn đưa nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư đã diễn ra từ những năm trước khi các tập đoàn đa quốc gia áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1 để giảm phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào một quốc gia. Quá trình này càng được thúc đẩy bởi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra cuối năm 2018 cũng như đại dịch Covid-19 cuối năm 2019. Ông Hùng cảm nhận, tiến trình dịch chuyển rõ ràng hơn bao giờ hết khi Chính phủ Nhật đưa ra gói hỗ trợ, là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình dịch chuyển này.
Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang tính nước cờ rời khỏi Trung Quốc. Một cuộc khảo sát mới công bố của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu và Đức tại Trung Quốc, được tờ South China Morning Post dẫn nguồn cho thấy kết quả kinh doanh đáng thất vọng khi một nửa số công ty tham gia phỏng vấn cho rằng biên lợi nhuận của họ sẽ giảm khoảng 20%.
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn FDI với nguồn lao động dồi dào, chi phí tương đối cạnh tranh; chính trị ổn định và vị trí chiến lược. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực như CPTPP, EVFTA cũng là điểm cộng để Việt Nam là tâm điểm trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Trong cuộc khảo sát của Deep Knowledge Ventures, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào giữa tháng 4, Việt Nam cũng chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á về điểm đến an toàn. Theo lãnh đạo Deep Knowledge Ventures, quốc gia càng an toàn, càng khiến các nhà đầu tư yên tâm đổ vốn.
“Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng để đón đầu xu hướng dịch chuyển này", ông Hùng nói, dù việc đầu tư diễn ra trong bối cảnh công ty vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Các đối tác của CNC Tech, công ty sản xuất các mặt hàng công nghệ dành cho người tiêu dùng cuối cùng, bị giảm sút doanh số, khiến sản lượng của CNC Tech cũng lao dốc theo.
Hiện nay, CNC Tech đang đầu tư tổ hợp để sản xuất công nghiệp phụ trợ như khuôn mẫu, thép, nhựa đúc, sơn bề mặt, với quy mô từ 4 tới 10 ha. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư thêm mảng bất động sản công nghiệp để các doanh nghiệp có thể thuê lại nhà xưởng, giúp doanh nghiệp ngoại rút ngắn thời gian dịch chuyển đầu tư.
“Đây là kế hoạch chúng tôi đã đặt ra 3 năm qua và sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện sau đại dịch”, ông Hùng nói.
Một số doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội nhưng vẫn ngần ngại trước viễn cảnh “tụt dốc" nhu cầu và dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Đặng Quang Khởi, Tổng giám đốc Công ty nhựa An Lập, một trong những công ty làm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho các hãng điện tử nước ngoài nói, dù ông biết có làn sóng dịch chuyển dòng vốn FDI nhưng ông không có nguồn lực và cũng chưa dám mạo hiểm để mở rộng sản xuất trong bối cảnh bất định như hiện nay.
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, cũng như bao công ty khác, An Lập đã phải giảm khoảng 60% công suất sản xuất do các đối tác của công ty như Samsung, Honda giảm đơn hàng. Hiện nay, công suất sản xuất đã khôi phục được 80% nhưng người đứng đầu công ty vẫn rất lo lắng về rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới.
Năm 2019, nhận thấy dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông Khởi đã đầu tư dây chuyền máy móc để tăng công suất, cải thiện chất lượng và giá thành. Ông còn kỳ vọng năm 2020 này doanh thu sẽ tăng thêm 20% như những gì đã thực hiện được trong năm 2019. “Với diễn biến dịch bệnh đang hoành hành tại Mỹ và châu Âu, doanh thu của chúng tôi bằng năm ngoái là may", ông Khởi nói.
Hậu Covid-19, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Dù biết đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, nhưng An Lập không thể tăng công suất sản xuất trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm, việc tiếp cận ngân hàng cũng không dễ dàng.
Hai mặt của đồng xu
Các doanh nghiệp như An Lập không phải hiếm, và hệ quả tất yếu là miếng bánh công nghiệp phụ trợ sẽ dành cho khối ngoại tại Việt Nam.
“Quanh Bắc Ninh và Bắc Giang, chúng tôi liên tục thấy các nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc, Trung Quốc mọc lên”, ông Khởi nói. “Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại không đủ nguồn lực, hoặc không dám đầu tư".
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam, cho hay, công nghiệp phụ trợ là ngành khó, tập trung cả vốn, công nghệ, lao động. Ai cũng biết là cơ hội rất lớn nhưng để tận dụng được dòng vốn FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng phải “môn đăng hộ đối" về cả quy mô, trình độ sản xuất, năng lực tiếp cận của doanh nghiệp nội. Nếu không, dòng vốn FDI vào nước ta sẽ gây ra tác dụng ngược.
“Cơ hội sẽ vụt mất và Việt Nam sẽ bị chiếm lĩnh cả về thị trường, đất đai và tài nguyên không tái tạo ngay trên sân nhà", bà Hương, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của một công ty điện tử nói.
Hiện nay, công ty của bà Hương chưa thấy cơ hội đâu nhưng đã bắt đầu thấy được sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn lực như đất đai, lao động. Các công ty cho thuê đất công nghiệp đang muốn tăng giá thuê đất trong bối cảnh đại dịch khiến các doanh nghiệp nội “bầm dập”. Đây là hệ quả tất yếu khi nhu cầu thuê đất công nghiệp của khối ngoại tăng lên. Về nguồn lao động, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đã tốn nhiều công sức để đào tạo được đội ngũ thợ lành nghề, nhưng nếu doanh nghiệp FDI dịch chuyển sang, họ chỉ cần trả lương cao hơn 50.000 đồng/tháng là lao động sẵn sàng chuyển việc.
Trong khi đó, theo vị lãnh đạo Hiệp hội điện tử, những hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19 mới chỉ nằm ở trên báo chí, truyền thông, doanh nghiệp nhận được hỗ trợ là rất hạn chế và mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính nhận được gói hỗ trợ này. Trong khi doanh nghiệp các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore đều đã được nhận gói hỗ trợ của chính phủ họ một cách dễ dàng.
Nếu doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ không thể sống sót, miếng bánh thị phần càng thuộc về tay các doanh nghiệp ngoại. Trong bối cảnh họ chuyển dịch sản xuất một cách cơ học, tức là doanh nghiệp trong nước không làm chủ được công nghệ thì đây sẽ là điều rất nguy hiểm tới nền kinh tế.