Người phát ngôn Jason Miller của ông Trump đưa ra thông tin trên trong cuộc phỏng vấn cùng Đài Fox News ngày 21-3.
Theo ông Miller, ông Trump “có thể trở lại mạng xã hội trong vòng 2-3 tháng nữa”. Ông Miller cũng nói thêm rằng cựu tổng thống Trump sẽ quay lại trên “nền tảng của riêng ông”, thu hút “hàng chục triệu” người dùng mới và “hoàn toàn thay đổi cuộc chơi”.
“Tôi nghĩ đây sẽ là tấm vé nóng nhất trên mạng xã hội. Nền tảng mới sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc chơi. Tất cả mọi người sẽ chờ đợi và trông chờ xem tổng thống Trump sẽ làm gì. Đây sẽ là nền tảng riêng của ông ấy”, Miller nói.
Hiện cựu Tổng thống Mỹ và cố vấn công nghệ Dan Scavino đang nhắm đến ứng dụng FreeSpace. Nhưng chưa có gì đảm bảo cả hai sẽ đi đến thỏa thuận chung. Nguồn tin cho biết ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng: "Có thể là một công ty nào đó trong số nhiều công ty, sẽ có nhiều cuộc họp trong tuần này".
Hãng tin AFP nhận định cách sử dụng mạng xã hội của ông Trump đã định hình cả nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông Trump đã thu hút 88 triệu người theo dõi trên Twitter và thường xuyên đăng tải các chỉ trích, quyết định thay đổi nhân sự hay chính sách lớn lên mạng xã hội này.
Dẫu vậy, ứng dụng FreeSpace được nhắc đến trong tin đồn lại mang màu sắc tích cực, an toàn, rất khác với những ứng dụng có liên quan đến ông Trump trước đó như Parler hay Gab. Thông điệp chính của FreeScape là "củng cố những thói quen tốt và biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn". FreeSpace tuyên truyền về việc khuyến khích mọi người chia sẻ những nội dung tươi sáng, thói quen lành mạnh nhằm lan tỏa giá trị và niềm tin đến cộng đồng người dùng trên nền tảng của mình.
Ứng dụng tự xưng là mạng xã hội "dành cho những nhà tư tưởng tự do, vận động viên và doanh nhân". Người điều hành FreeSpace là Jon Willis - CEO công ty Matchstick Media có trụ sở tại Arizona (Mỹ).
Ra mắt trên App Store và Google Play ngày 1.2 năm nay, FreeSpace vẫn còn mới và chỉ có 20.000 lượt tải xuống.
Việc duy trì hoạt động của một Mạng xã hội lớn không hề đơn giản đối với ông Trump.
Đối với mạng xã hội, một trong những cách tạo doanh thu đơn giản là dựa vào quảng cáo. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều nhà quảng cáo mang xu hướng bảo thủ để mạng xã hội của ông Trump kiếm tiền theo cách này.
"Thương hiệu" mạng xã hội Donald Trump được xây dựng dựa trên việc thuyết phục mọi người rằng ông là tổng thống Mỹ được bầu hợp pháp, nhưng không có bằng chứng. Lượng nhà quảng cáo sẵn sàng bỏ tiền cho ý tưởng trên có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Các mạng xã hội cần thu hút lượng lớn người dùng để thu lợi nhuận. Nếu đã giới hạn đối tượng là những người không cảm thấy khó chịu với ông Trump, sẽ thật ngớ ngẩn nếu thu hẹp họ một lần nữa với những người sẵn sàng trả tiền để sử dụng.
Tính đến khả năng còn lại, mạng xã hội Trump có thể được rót vốn bởi các nhà đầu tư bảo thủ, nhưng mục đích chính của họ là hậu thuẫn cho mục tiêu chính trị. Bạn không thể duy trì mạng xã hội bằng cách chỉ dựa vào đầu tư. Nếu không có doanh thu từ quảng cáo hoặc lượng người đăng ký khổng lồ, nền tảng này coi như thất bại.
Điểm mạnh duy nhất của nền tảng này là sự nổi tiếng sẵn có của ông Trump. Mọi người đều muốn biết cựu tổng thống sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, ông cũng có thể bị buộc tội kích động bạo lực bất cứ lúc nào, dù đó là hành động gián tiếp. Trừ khi ông Trump thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền mới, mọi người vẫn sẽ nghĩ rằng các cuộc xung đột liên quan đến kết quả bầu cử là do ông đứng sau “giật dây”.
Vấn đề tiếp theo nằm ở tòa án. Khi cựu tổng thống không được các bang ủng hộ, nền tảng này rất dễ rơi vào tầm ngắm, trở thành mục tiêu cho các vụ kiện hoặc điều tra. Ngay cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ khó lòng bỏ qua website đăng những nội dung thuyết âm mưu chống đối chính phủ.