Sau 6 năm hoạt động, Grab đã huy động được 6,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư, dẫn đầu bởi SoftBank, Didi và Toyota. Sau vòng gây vốn hồi tháng 8, Grab được định giá khoảng 11 tỷ USD. Năm 2014, SoftBank lần đầu góp vốn vào Grab với số tiền 250 triệu USD. Thời điểm đó, Grab bắt đầu cạnh tranh với Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Dự kiến, số vốn 1,5 tỷ USD sắp tới sẽ được Quỹ Tầm nhìn của SoftBank rót vào Grab. Năm ngoái, quỹ này đã nhận được 93 tỷ USD từ các đối tác, trở thành quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới. SoftBank sẽ hoàn tất khoản đầu tư khổng lồ vào Grab ngay trong tháng này và nhiều khả năng sẽ công bố trong tháng 1/2019. Đại diện SoftBank và Grab đều không bình luận gì trước thông tin này.
Trong vài tháng gần đây, Qũy Tầm nhìn đã thực hiện nhiều khoản đầu tư lớn vào 3 doanh nghiệp châu Á tỷ đô, bao gồm OYO của Ấn Độ, Coupang của Hàn Quốc và Tokopedia của Indonesia. Trong báo cáo tài chính mới nhất, SoftBank giải thích kế hoạch của công ty là chuyển cổ phần trong các doanh nghiệp gọi xe Uber, Didi, Ola và Grab sang Qũy Tầm nhìn nhưng đến nay, điều đó chưa xảy ra.
Hồi tháng 10, Reuters đã từng đưa tin rằng SoftBank chuẩn bị chốt một khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD vào Grab. Tuy nhiên, có vẻ như kế hoạch mở rộng của Grab đã thuyết phục được SoftBank tăng gấp 3 số vốn. Grab đã mua lại tất cả hoạt động của Uber tại Đông Nam Á trong năm nay bằng cổ phần của chính mình. Từ đó tới nay, hãng cung cấp ứng dụng gọi xe này đã phát triển, mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng.
Grab có thể sử dụng một phần số vốn nhận được để mở rộng hơn nữa hoạt động tại Indonesia. Mới đây, Grab đã hợp tác với nền tảng thương mại điện tử Tokopedia và hãng thanh toán điện tử OVO để tăng cường hoạt động tại Indonesia. Grab cũng đang tìm cách chuyển biến thành tập đoàn công nghệ tiêu dùng hàng đầu, cung cấp nhiều dịch vụ khác bên cạnh gọi xe như giao đồ ăn, chuyển tiền điện tử và thanh toán di động. Đông Nam Á hiện là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới và vì thế còn rất nhiều cơ hội phát triển cho Grab.