Tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế; CLB các nhà công thương Việt Nam đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Khoa học và công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” nhằm mục đích góp phần mang đến cho những doanh nghiệp Việt kinh nghiệm, bài học, nhận thức đầy đủ để có thể phát triển mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017)”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn khẳng định: “Các doanh nghiệp vừa phải là trung tâm, vừa là động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh. Chúng ta cần dũng cảm từ bỏ mô hình quản lý cũ, cách làm cũ để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng quốc gia, dân tộc thành hành động cụ thể, chuyển hóa những sáng tạo thành giá trị gia tăng, tạo việc làm và dịch vụ mới cho Việt Nam”.
Tại diễn đàn này, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách, chuyên gia khoa học công nghệ, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ. TSKH. Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhận thức chưa đầy đủ, tạo ra những lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp, quản trị nhân sự. Để chớp lấy vận hội của cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có nhận thức đúng và đủ vai trò trách nhiệm của mình trong tiến trình đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam thời kỳ hội nhập”.
Ảnh 1: Ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
diễn thuyết bài tham luận của mình tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội nghìn năm có một, cơ hội không kéo dài lâu: “Cuộc cách mạng này không phải là mới tinh, nhưng cũng không phải là quá lâu, không cho phép chúng ta có thể chậm 2-3 năm. Nếu lần này không nắm được cơ hội, vận mệnh nữa thì tụt hậu ngày càng xa, khả năng rút ngắn khoảng cách ngày càng khó hơn”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn thế giới được đánh giá là thách thức sống còn cho mỗi quốc gia; đồng thời cũng là cơ hội cho quốc gia thịnh vượng.
Ảnh 2: Phiên thảo luận giữa đại diện một số Bộ, ngành, các nhà làm chính sách, chuyên gia kinh tế với một số doanh nghiệp.
Trong một sân chơi toàn cầu với sự chi phối mạnh từ cuộc cách mạng công nghệ đến người chơi và cả luật chơi. Công nghệ đang làm thay đổi xã hội nhanh chóng, các chuẩn mực, các giá trị và các trật tự đều có thể được công nghệ biến đổi khôn lường. Khoa học – công nghệ là vấn đề then chốt không thể thiếu trong tiến trình để Việt Nam nắm bắt và thụ hưởng những thành quả hữu ích từ cuộc cách mạng 4.0.