“Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ngày càng được các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn và coi đó là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình hội nhập. Đặc biệt thực hành tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội theo EICC giúp cho các doanh nghiệp ngành điện tử “tự tin” tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu” – nhận định của ông Nguyễn Hoàng Hà – Đại diện Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương cũng đưa ra những nhận định và đánh giá khái quát chung về năng lực cạnh tranh của ngành điện tử Việt Nam trong những năm qua: “Trong suốt 3 năm gần đây, xuất khẩu điện thoại các loại linh kiện luôn giữ vị trí đứng đầu trong toàn bộ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn ở Việt Nam, đồng thời cũng thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản,..”.
Mặc dù đạt được những thành công nhất định, nhưng ngành điện tử Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu phát triển và chủ yếu dựa vào hệ thống doanh nghiệp FDI. Nếu muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành điện tử thì các doanh nghiệp cần nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp cần đáp ứng đủ yêu cầu về công nghệ, nhân lực, quản trị sản xuất cũng như đảm bảo tiến độ và chất lượng hàng theo quy định của người mua hàng (các công ty MNC). Tính đến tháng 12/2017, đã có 29 công ty (lớp 1), 136 công ty (lớp 2) là nhà cung cấp của Samsung. Để được trở thành nhà cung cấp của Samsung, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định đánh giá của Samsung, trong đó, tiêu chuẩn thực hành EICC về lao động là yếu tố quan trọng.
Mục tiêu 5 năm của chính phủ Việt Nam sẽ tham gia tư vấn cải tiến, bồi dưỡng hơn 1000 doanh nghiệp, kết nối 130 doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp FDI. Đến năm 2020, Samsung Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống giao dịch trực tiếp với 50 doanh nghiệp (tăng 2,5 lần).
Quy Tắc Ứng Xử của Electronic Industry Citizenship Coalition (EICC) đưa ra các tiêu chuẩn để đảm bảo rằng điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử được an toàn, người lao động được đối xử một cách xứng đáng và tôn trọng, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và được thực hiện một cách có đạo đức.
Để áp dụng Quy tắc và trở thành một bên tham gia, doanh nghiệp cần xác nhận việc ủng hộ Quy tắc và tích cực theo đuổi việc tuân thủ Quy tắc và tiêu chuẩn của Quy tắc phù hợp với một hệ thống quản lý. Các bên tham gia phải coi Quy tắc là bước khởi đầu của toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ông Lương Văn Phan – Chuyên gia ngành Tiêu chuẩn Chất lượng nêu rõ tiêu chuẩn EICC được áp dụng cho các doanh nghiệp điện tử khi tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu và chỉ rõ 5 phần của bộ tiêu chuẩn. Phần A, B, và C lần lượt vạch ra các tiêu chuẩn tương ứng về Lao động, Sức khỏe và An toàn, và Môi trường. Phần D bổ sung các tiêu chuẩn liên quan đến đạo đức trong kinh doanh; Phần E thể hiện các yếu tố của một hệ thống được chấp nhận để quản lý việc tuân thủ Quy tắc này.
Bên cạnh việc phổ biến tiêu chuẩn EICC, bà Tống Thị Minh – nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động & Tiền lương đã đối thoại trực tiếp với đại diện một số doanh nghiệp ngành điện tử tại Bắc Ninh về các vấn đề quan hệ lao động, hay làm cách nào để giải quyết vấn đề tranh chấp trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Tự quyết định, cùng nhau thương lượng và “bên thứ ba” chính là 3 phương thức được bà Tống Thị Minh đưa ra, tuy nhiên tất cả đều phải dựa trên bộ Luật Lao động. Các bên đều phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để đưa ra tiếng nói chung trong mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và chính phủ Nhật Bản đã thành lập Liên minh các doanh nghiệp ngành điện tử thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực lao động tại Việt Nam. Bà Mai Hồng Ngọc – Trưởng phòng Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, VCCI, cho biết: “Đây là một trong những sáng kiến mà VCCI đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử tại Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác cùng có lợi để cùng nhau xây dựng thực hành lao động có trách nhiệm hơn, tạo ra nhiều việc làm và việc làm bền vững hơn cho ngành điện tử Việt Nam”.
Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử Việt nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực để có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó đối thoại đa bên thông qua các diễn đàn của Liên minh sẽ giúp các bên cùng nhau thảo luận và đồng thời lắng nghe các ý kiến đề xuất từ phía cộng đồng doanh nghiệp điện tử để chúng tôi có thể đề xuất những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều kênh khác nhau, từ tham vấn chính sách để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, cho tới các hoạt động cụ thể như nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, tạo các diễn đàn và cơ hội để doanh nghiệp trao đổi và học hỏi lẫn nhau.
Hội thảo thực sự là sân chơi bổ ích và có hiệu quả đối với các doanh nghiệp ngành điện tử tại Bắc Ninh, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và mong muốn có nhiều cơ hội đối thoại tương tự để doanh nghiệp tăng cường hiểu biết pháp luật, hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ cùng phát triển trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp thực hành tiêu chuẩn EICC là một trong những hoạt động mục tiêu của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam trong chương trình công tác năm 2018 và là hoạt động đóng góp thiết thực của Hiệp hội trong Liên minh các doanh nghiệp điện tử thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lao động, cùng với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam. Chuỗi các hoạt động này sẽ lần lượt được tổ chức tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi có tập trung đông các doanh nghiệp ngành điện tử.