Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn có nhiều bất ổn. Rủi ro của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới. Các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao. Cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài. Trong khi đó, ở trong nước, kinh tế Việt Nam đang chịu áp lực lạm phát lớn do độ trễ của gói phục hồi và lạm phát ở một số quốc gia vẫn ở mức cao. Rủi ro đối với doanh nghiệp vẫn gia tăng trong bối cảnh cầu thị trường nước ngoài suy giảm, dòng tiền dần cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh trong khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn. Trong nước, tổng cầu nền kinh tế suy giảm mạnh.
Để có căn cứ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới hiện nay; trên cơ sở thống nhất của 2 bên về Chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Vneconomy tổ chức Tọa đàm Đối thoại Chính sách quý 2 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện mới”. Kết quả của Tọa đàm sẽ phục vụ xây dựng Báo cáo kinh tế Vĩ mô quý II, năm 2023 và cung cấp thêm thông tin cho công tác nghiên cứu tham mưu, đề xuất chính sách để Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những chỉ đạo và quyết sách kịp thời.
Tọa đàm có sự chủ trì của: TS Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; TS Chử Văn Lâm - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Cùng với các diễn giả chính: Chuyên gia quốc tế: Ông Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB); Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS Phạm Thế Anh, Trường ĐHKTQD; GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê; Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam; Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam;
Sự kiện thu hút được sự quan tâm lớn từ khoảng 100 đại biểu gồm: Các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: IMF, ADB, UNDP, WB, GIZ; Đại biểu từ các trường đại học; Đại biểu từ các Viện nghiên cứu; một số tạp chí và cơ quan báo chí; các diễn giả, chuyên gia có bài tham luận,…
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã đánh giá kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm nay; đánh giá tổng cầu nền kinh tế trong bối cảnh mới. Từ góc độ tổng cầu, tiêu dùng nội địa với chỉ dấu quan trọng là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng. Chi tiêu Chính phủ tăng mạnh so với các năm trước về con số tuyệt đối, với khoảng 226.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2023...
Theo các chuyên gia kinh tế, dựa trên các số liệu thống kê cũng như nhiều tín hiệu khả quan trong những tháng gần đây, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam có thể được kiểm soát dưới 4,5%, nhưng tăng trưởng GDP cả năm khó đạt mức 6-6,5% đây là lý do các chuyên gia tại Tọa đàm đề xuất chính sách kích cầu cho nền kinh tế.
Đầu tư của doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng trở lại và có những dấu hiệu tăng tích cực hơn trong những quý tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu đã suy giảm và đây được cho là nguyên nhân chính, làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế và cũng là trở lực lớn nhất khiến tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp kích cầu có chọn lọc và kết hợp các chính sách cải thiện các tổng cung tiềm năng. “Chính sách trọng cung của nền kinh tế khi chúng ta nhìn thấy xu hướng tăng trưởng chung của nền kinh tế đang thấp dần. Nếu chúng ta lạm dụng chính sách kích cầu sẽ dễ đi từ thái cực này sang thái cực khác bất ổn hơn”, PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ ra.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nước ta đã trải qua nửa đầu năm 2023 đầy khó khăn, thách thức. Mức tăng trưởng 3,72% dù thấp nhưng đã thể hiện được sự nỗ lực lớn của mọi lĩnh vực kinh tế. Thực tế cho thấy, tất cả các thành phần tổng cầu của nền kinh tế đều suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Trước hàng loạt khó khăn về thị trường, vốn, giá cả đầu vào tăng cao, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tìm được giải pháp để thoát khỏi khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nêu giải pháp, để tăng trưởng mức 8-9% trong 2 quý còn lại của năm, cần có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
“Một là phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu. Thứ hai là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn. Ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường. Một vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định được tỷ giá. Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung nêu.
Một vấn đề được các đại biểu chỉ ra là cần cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế và từ đó tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh. Chú trọng hơn tới thị trường trong nước, phát triển năng lực của doanh nghiệp trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, không để mất thị phần về hàng hóa, dịch vụ ngay trên “sân nhà”.
Chia sẻ tại toạ đàm, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB), nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với rủi ro đa dạng và chồng chéo, như: căng thẳng tài chính, địa chính trị, thiên tai; tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, an ninh lương thực và năng lượng, triển vọng tăng trưởng dài hạn yếu hơn; lạm phát cao kéo dài, căng thẳng xã hội, mạng lưới kinh tế toàn cầu phân mảnh… Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng toàn cầu được WB dự báo đạt 2,1% trong năm 2023 và đạt 2,4% trong năm 2024. Trong bối cảnh tổng cầu giảm... đã tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Đà tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại đáng kể. Hai quý đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng chậm. Diễn biến tăng trưởng không giống giai đoạn tiền Covid và trong thời gian Covid-19.
“Tăng trưởng chậm xuất phát từ phía tổng cầu. Xuất, nhập khẩu giảm mạnh. Cả tiêu dùng cuối cùng và đầu tư đều đang bộc lộ những hạn chế”, bà Dorsati Madani nhấn mạnh. Theo đại diện WB, nhu cầu đối với hàng xuất khẩu giảm đang đè nặng lên nền kinh tế. Nhiều khó khăn, thách thức đang ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sang Mỹ, EU và Trung Quốc. Trong khi đó, hoạt động liên quan đến xuất khẩu chiếm gần một nửa giá trị gia tăng ở Việt Nam, đẩy nền kinh tế phải đối diện với thách thức suy thoái toàn cầu. "Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong nước của Việt Nam gần đây đã giảm xuống dưới mức trước Covid", bà Dorsati Madani nhận định, đồng thời cho biết theo dự báo hiện tại của WB, tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đạt dưới 5% trong năm 2023 và dần phục hồi đến khoảng 5,5%-6% vào năm 2024.
Để bước qua thách thức và tăng trưởng, bà Dorsati Madani cho rằng Việt Nam cần hành động ngay 4 giải pháp, đó là: chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ; cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và củng cố niềm tin vào cải cách.
Đối với chính sách tài khóa, theo đại diện WB, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tài khóa, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều thách thức. Việt Nam cần tăng đầu tư công theo kế hoạch, bao gồm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 (1,8% GDP). Bởi tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn ước tính là 28% (Bộ TC), đây là mức thấp.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục đầu tư và việc xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện cũng là vấn đề Việt Nam cần tính toán, bởi theo WB, chiến lược phát triển không gian quốc gia đã được Chính phủ thông qua để ưu tiên những hoạt động đầu tư quan trọng, xương sống vào các vùng quan trọng, khu vực tăng trưởng. Đơn cử, kể từ năm 2016 không có dự án nào đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện. Đây là một ví dụ rõ ràng về việc Việt Nam đang tự hủy hoại tiềm năng tăng trưởng của mình.
Về chính sách tiền tệ, chuyên gia WB cho rằng hiệu lực những chính sách còn hạn chế. Dư địa của chính sách tiền tệ bị hạn chế và khả năng truyền dẫn yếu. Nhu cầu tín dụng yếu dẫn tới đầu tư thấp, bất ổn cao. Các biện pháp từ phía cung, chẳng hạn như tiếp tục nới lỏng và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ kém hiệu quả hơn và rủi ro hơn vì lãi suất toàn cầu có khả năng duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới có thể tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá.
Một vấn đề khác, WB cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Những biện pháp ứng phó khủng hoảng hiện nay của Việt Nam đã đáp ứng các điều kiện nhưng có thể làm được nhiều hơn nữa.
Việt Nam tháo gỡ khó khăn trên thị trường tín dụng, kích thích tăng trưởng bằng 4 đợt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2023, đồng thời nới lỏng các hạn chế về thanh khoản, thực hiện các biện pháp giãn nợ và tái cơ cấu… nhưng tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tăng (trên 100%), gia tăng mối quan ngại về chênh lệch kỳ hạn và chất lượng bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Do đó, Việt Nam cần cải cách cơ cấu trong trung hạn như: Củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém. “Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức tín dụng và Luật ngân hàng Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các hạn chế mang tính cơ cấu”, bà Dorsati Madani gợi ý.
Ngoài ra, cần tăng đầu tư vào vốn con người/kỹ năng; nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý đầu tư công; nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu toàn cầu; xanh hóa sản xuất thông qua thuế carbon và các công cụ tài khóa khác; xanh hóa tiêu dùng thông qua các ưu đãi tài chính…