Cổng thông tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa tin, Nhật Bản phát hiện vụ bê bối sai lệch dữ liệu của một số sản phẩm đến từ thương hiệu xe tải Hino (thuộc quyền sở hữu của Toyota Motor). Điều này làm ảnh hưởng tới độ chính xác về những chứng nhận khí thải động cơ mà thương hiệu này có được.
Toyota đã xác nhận rằng các mẫu xe bị sai về thông tin phát thải được trang bị động cơ diesel 4.0 lít. Họ lưu ý rằng các giá trị kiểm tra độ bền suy giảm hiệu suất khí thải chỉ được tính toán dựa trên dữ liệu từ một phép đo duy nhất, trong khi những con số này phải được tính toán dựa trên dữ liệu của nhiều phép đo.
Giám đốc điều hành Toyota Akio Toyoda cho biết: "Với tư cách là công ty mẹ cũng như cổ đông của Hino Motors, chúng tôi vô cùng thất vọng khi Hino một lần nữa phản bội lại sự kỳ vọng và lòng tin của các bên liên quan khi thừa nhận thêm hàng loạt sai phạm mới. Với việc tiếp tục xảy ra một số sai phạm trong lĩnh vực chứng nhận động cơ, Hino hiện đang rơi vào tình huống bị nghi ngờ liệu công ty sẽ còn được các bên liên quan tin tưởng hay không. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao để giúp họ gây dựng lại sự uy tín về chất lượng sản phẩm".
Được biết, hiện tại Hino đã tạm dừng giao các sản phẩm có liên quan đến bê bối trên, chúng có tỷ lệ khoảng 60% số xe sẽ được giao chỉ trong năm nay. Chủ tịch Hino Satoshi Ogiso của nhà sản xuất xe tải Nhật Bản chia sẻ với hãng thông tấn Reuters rằng công ty đã không phát hiện ra trường hợp xe của mình vượt quá giới hạn khí thải và hành vi giả mạo dữ liệu chỉ đơn giản là do thiếu hiểu biết về các quy định.
Ông Hino Satoshi Ogiso còn cho biết thêm: "Với tư cách là một nhà sản xuất ô tô, chúng tôi cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định và luật lệ để có thể xuất xưởng xe. Tôi khẳng định điều này là do sơ xuất không có chủ đích đến từ thương hiệu".
Hino gần đây đã thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu về vấn đề gian lận dữ liệu phát thải. Nhưng cơ quan phát hiện ra bê bối này lại là Bộ giao thông vận tải Nhật Bản.
Vụ việc lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 3 năm 2022 và được cho là không ảnh hưởng đến một số mẫu xe nhỏ hơn của Hino. Song theo chủ tịch Hino Satoshi Ogiso, kể từ đó đã tiết lộ rằng một cuộc điều tra của Bộ giao thông vận tải Nhật Bản đã phát hiện thêm những sai lệch ảnh hưởng đến hơn 76.000 xe tải nhỏ Dutro. Trước đó, những sản phẩm bao gồm Hino Ranger, Profia và xe buýt Hino S'elega cũng đã bị phát hiện gian lận thông tin.
Tại Nhật Bản, Hino đã triệu hồi khoảng 47.000 xe bị do vấn đề giả mạo kết quả thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu từ tháng 4/2017 đến nay; tuy nhiên, cũng theo hãng này, tổng số xe bị ảnh hưởng có thể lên tới gần 300.000 chiếc.
Vào năm 2018, chính phủ Nhật Bản cho biết các hãng xe Mazda, Suzuki và Yamaha đã bị phát hiện vướng vào vấn đề này. Sau đó, đến năm 2021, Subaru và Nissan cũng gặp phải tình trạng tương tự.