Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố.
5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai.
Chia sẻ tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G: xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam", ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam nhấn mạnh công nghệ 5G đang là xu hướng tất yếu của thông tin di động thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này.
Theo ông Hoan, việc chọn thời điểm năm 2024 để Việt Nam thương mại hóa 5G là rất phù hợp, không đi đầu nhưng cũng không quá muộn.
"So với 97 nước đã triển khai thương mại 5G thì Việt Nam có thể hơi chậm. Trong khu vực Đông Nam Á, một số nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia… cũng đã triển khai 5G. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp. Để đồng bộ với sự phát triển, việc thúc đẩy 5G là cần thiết," ông Hoan nói.
Ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies, nhấn mạnh 5G trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Ông Hidetaka Shiraishi phân tích hiện nay dữ liệu được truyền đi không còn được đo bằng Megabits mỗi giây mà bằng Gigabits mỗi giây. Và điều này đã ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với người tiêu dùng băng thông rộng di động mà còn đối với các ngành công nghiệp như thương mại điện tử, sản xuất truyền thống và logistics…
Đáng chú ý, 5G đã góp phần quan trọng thay đổi hành vi của khách hàng. Trong vòng 3 năm, doanh thu từ các thuê bao trả sau tăng từ 21% lên 53%. 5G cũng đã cho phép các nhà khai thác cung cấp các dịch vụ mới cho các ngành công nghiệp hướng tới khách hàng doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực logistics, bệnh viện thông minh, giải trí, du lịch, giao thông, thành phố thông minh, khai thác mỏ…
Theo bà Vũ Thu Hiền - Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) cho biết: "Lý do chúng tôi lựa chọn đấu giá trước với băng tần mid band - tầm trung là bởi giai đoạn đầu triển khai 5G, băng tần mid band là băng tần quan trọng nhất, nó sẽ giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G và chúng ta đang cần rất nhiều băng thông di động rộng. Cũng vì lý do đó, trên thế giới, Hiệp hội di động toàn cầu cũng đã thống kê và đánh giá là, trên thế giới có 71% các mạng 5G đã triển khai nằm ở băng tần tầm trung này", bà Hiền nêu.
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, sau khi đấu giá xong băng tần tầm trung, Cục sẽ tích cực đánh giá nhu cầu của thị trường để thực hiện việc đấu giá tiếp các băng tần khác. "Về quy hoạch, chúng ta đã có các băng tần khác cho 5G, ví dụ như băng tần thấp 700MHZ, băng tần cao 26GHZ, đó là những băng tần trong tương lai Việt Nam sẽ xem xét để cấp phép cho 5G".
“Dự kiến tháng 1/2024, Bộ TT&TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá băng tần để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia. Hy vọng cuộc đấu giá sẽ thành công tốt đẹp và kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024”, bà Vũ Thu Hiền nói.
Thêm một lý do lựa chọn đấu giá trước với băng tần tầm trung, bà Vũ Thu Hiền cho hay: Giai đoạn đầu triển khai 5G, băng tần tầm trung là băng tần quan trọng nhất, sẽ giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G. Cũng vì lý do này, Hiệp hội Di động toàn cầu cũng đã thống kê và đánh giá có 71% các mạng 5G trên thế giới đã triển khai ở băng tần tầm trung.
5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.