Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, từ đầu năm nay đến nay, có 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 880 triệu USD được cấp mới và 135 triệu USD điều chỉnh tăng vốn. Đây là năm thu hút lượng vốn FDI cao thứ 2 (sau 2019 với mốc 1,160 tỷ USD) từ khi tái lập tỉnh.
"Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ chế biến thực phẩm, chế tạo có quy mô lớn được đầu tư có thể tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới", cơ quan này cho hay.
Điểm nhấn trong loạt dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc có thể kể đến là nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 80.000 tấn một năm, vốn đầu tư 611 triệu USD của Thái Lan; dự án đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối tại Tam Đảo của Tập đoàn Vinamilk dự kiến hợp tác với Tập đoàn SOJITZ (Nhật Bản) mở rộng đầu tư tại Vĩnh Phúc trị giá 250 triệu USD.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến thu hút được 1,1 tỷ USD trong năm 2021; trong đó, vốn đăng ký mới đạt khoảng 900 triệu USD và vốn tăng thêm khoảng 200 triệu USD.
Theo đó, lũy kế đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy…
Hiện nay có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh. Hàn Quốc có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italia, Samoa, Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp.
Vĩnh Phúc được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư là nhờ 3 yếu tố: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi; chất lượng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư của các khu công nghiệp; sự quyết tâm, đồng hành của chính quyền trong hoạt động thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong Covid-19, Vĩnh Phúc có nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch vừa bảo vệ an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho các chuyên gia, người lao động. Theo đề xuất của doanh nghiệp, quy trình đầu tư mới được Vĩnh Phúc thông quan, rút giảm khoảng 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi sang các hình thức làm việc trực tuyến.
Hiện tỉnh tiếp tục ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí...
Để thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu, Hoa Kỳ... trong thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chủ động thực hiện linh hoạt xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các hình thức kết nối nhà đầu tư và bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Theo đó, năm 2022, Vĩnh Phúc triển khai chương trình xúc tiến đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm tập trung vào 8 nội dung xúc tiến đầu tư theo đúng quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đó là ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển và định hướng chung của quốc gia, khu vực và của tỉnh, bảo đảm mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.
Tập trung thu hút vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0, các ngành thương mại dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao như dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính quốc tế, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, trung tâm thương mại, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế Hiệp định thương mại tự do đem lại, nắm bắt cơ hội vàng, đón làn sóng đầu tư dịch chuyển, tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Và củng cố các đối tác đầu tư chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, mở rộng các đối tác đầu tư thuộc khu vực Đông Âu, Mỹ La tinh và châu Phi, đẩy mạnh thu hút đầu tư với đối tác là Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu thông qua các tập đoàn đa quốc gia.