Theo Financial Times, Giám đốc điều hành ByteDance, Zhang Yiming, từ lâu đã mong muốn phát triển chiếc điện thoại với đầy đủ ứng dụng của công ty. Đầu năm nay, cha đẻ TikTok ký thỏa thuận với nhà sản xuất điện thoại Smartisan để mua một loạt bằng sáng chế và thuê nhân sự. Mục đích ban đầu của thương vụ này là phát triển ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên ByteDance tham vọng lớn hơn thế.
Smartphone mới sẽ được sản xuất bởi Smartisan, thương hiệu điện thoại ByteDance mua lại hồi đầu năm nay. Chi tiết về máy, thiết kế, thông số kỹ thuật, tính năng... chưa được tiết lộ. Theo Phonearena, thiết bị có thể hướng đến phân khúc giá rẻ, dành cho thiếu niên và người trẻ tuổi - những người thích sử dụng TikTok.
Financial Times rất hoài nghi về triển vọng của điện thoại do ByteDance phát hành. Trước đây, đã có nhiều thiết bị tương tự lâm vào cảnh thất bại nặng nề. Facebook và Amazon từng tạo ra smartphone tích hợp sẵn các ứng dụng độc quyền, nhưng cả hai công ty đã ngừng bán không lâu sau đó.
Một số chuyên gia đánh giá, không loại trừ khả năng công ty Trung Quốc sẽ thất bại giống như Amazon hay Facebook, bởi TikTok hay ứng dụng tương tự, chỉ cần tải về là đã có thể dùng trên bất cứ smartphone nào. Tuy nhiên, rất có thể hãng phần mềm Trung Quốc sẽ có hướng đi riêng để khắc phục nhược điểm, cũng như tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm của mình.
TikTok là ứng dụng cho phép người dùng tạo và chia sẻ những đoạn video ngắn với hiệu ứng đặc biệt. Đầu tháng 3/2019, nó đã vượt qua mốc một tỷ lượt cài đặt trên toàn cầu trên cả hai nền tảng iOS và Android. Sản phẩm của ByteDance (công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) cũng trở thành trào lưu tại các khu vực như Bắc Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và Đông Nam Á, nhưng bị cấm ở nhiều quốc gia châu Á do thu thập thông tin trái phép, nội dung độc hại, gây chết người...
Bytedance hiện có một lợi thế khá lớn tại quê nhà nhờ "đế chế" họ xây dựng nên từ các ứng dụng di động. Đây là một trong số ít các startup Internet Trung Quốc - nếu không muốn nói là đầu tiên - tìm được chỗ đứng khá vững chắc trên trường quốc tế. Ứng dụng TikTok của họ luôn đứng trong top các bảng xếp hạng ứng dụng di động toàn cầu trong nhiều tháng qua, dù gặp một vài rào cản khó chịu tại một số thị trường lớn.
Cụ thể, ở Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang đã phạt TikTok xâm phạm luật bảo vệ quyền riêng tư trẻ em. Chính phủ Ấn Độ - một quốc gia đóng góp khá đáng kể cho sự tăng trưởng của TikTok thời gian qua - cũng tạm thời cấm ứng dụng này vì cáo buộc đăng tải các nội dung bất hợp pháp.