Chỉ hơn một tháng sau khi được khắc phục lần 3, tuyến cáp quang biển APG tiếp tục gặp sự cố lần thứ 4, khiến cho tốc độ internet của Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng.
APG - Asia Pacific Gateway là một trong những tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất hoạt động tại châu Á với băng thông tối đa 54 Tb/giây. Tuyến cáp có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, được đầu tư bởi các doanh nghiệp quốc tế và công ty Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel và CMC.
Cụ thể, khoảng 17h30 ngày 26/5/2019, tuyến cáp quang biển APG đã gặp sự cố, vị trí lỗi được xác định cách trạm cập bờ DNG (Đà Nẵng) 132 km. “Với vị trí lỗi cáp ở khu vực trạm cập bờ DNG, sự cố này gây ảnh hưởng toàn bộ dung lượng trên tuyến APG kết nối tới Việt Nam”, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam nhận định.
Hiện vẫn chưa rõ sự cố trên diễn ra trên phân đoạn nào của tuyến cáp này. Tuy nhiên, một nhà cung cấp dịch vụ Internet cho biết nhiều khả năng đây là một sự cố đứt cáp. Hiện vẫn chưa rõ phải mất bao lâu mới có thể khắc phục được sự cố này.
APG có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, đi qua 9 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
APG chính thức vận hành và đi vào hoạt động kể từ đầu năm 2017. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, tuyến cáp này thường xuyên gặp phải những sự cố nghiêm trọng. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, sự cố này đã là lần thứ 4 tuyến cáp quang biển APG phải dừng hoạt động.
Từ đầu 2019, liên tiếp các tuyến cáp quốc tế mà nhiều nhà mạng Việt Nam khai thác gặp sự cố. Đầu tháng 1, hệ thống IA bị lỗi nguồn ở Singapore và được khắc phục trong tháng. Tiếp theo, cáp AAE-1 bị đứt ngày 13/2 và tới 6/3 sửa xong. Cuối tháng 2, tuyến APG gặp trục trặc trên các nhánh S1.9, S1.8 và S3, sau đó đã được khôi phục lần lượt vào các ngày 7/3, 11/3 và 17/4.
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho hay, sự cố gây ảnh hưởng đến toàn bộ dung lượng trên tuyến APG kết nối tới Việt Nam. Đa số các nhà cung cấp trong nước đều có phương án dự phòng để giảm mức độ nghiêm trọng, nhưng người sử dụng vẫn có thể gặp tình trạng thiếu ổn định, truy cập chậm vào giờ cao điểm.