Viettel cho rằng, sự bùng nổ của công nghệ và xu hướng chuyển dịch số đã khiến nhu cầu tiêu thụ nội dung trực tuyến ngày một tăng. Người dùng bắt đầu quen thuộc với việc xem video có độ phân giải lên tới 4K - 8K, sử dụng các công cụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến, tạo ra xu hướng streaming, livestream và tải tài liệu dung lượng lớn lên đến đơn vị Terabyte. Điều đó đồng nghĩa với việc dịch vụ Internet cần có tốc độ cao vượt trội, băng thông lớn để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí đa dạng.
"Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ ngày 1/6/2019, Viettel áp dụng chính sách nâng gấp đôi băng thông cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet cố định với giá cước không đổi. Dải gói cước sau khi nâng của Viettel sẽ có băng thông tối thiểu là 30Mpbs, trong khi băng thông tối đa có thể lên tới vài trăm Mpbs. Động thái này của Viettel không chỉ phù hợp với xu hướng tăng tốc độ đường truyền dịch vụ Internet trên thế giới mà còn là bước đi đầu tiên nằm trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu về chất lượng Internet tại Châu Á của hãng Viễn thông Quân đội", đại diện Viettel nói.
Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, cần phải xem lại chương trình của Viettel là khuyến mại hay là chương trình dài hạn cho khách hàng. Việc nâng gấp đôi dung lượng như thế này thì người tiêu dùng sẽ được lợi, nhưng cũng cần xem có bị bán dưới giá thành hay không.
Công ty truyền thông VNPT ngay lập tức cũng sẽ tung ra chương trình "Nâng gấp đôi tốc độ đường truyền, với mức giá không đổi" từ 1/6/2019. Theo đó, khách hàng của VNPT sẽ được trải nghiệm tốc độ lên tới hàng trăm Mbps, tối thiểu 30Mbps để lướt web, nghe nhạc siêu nhanh, xem video với độ phân giải cao đến 4K. Như vậy, VNPT là nhà mạng đầu tiên có phản ứng nhanh trước động thái của Viettel. Nhiều khả năng, đầu tuần tới VNPT sẽ tuyên bố chính sách này cho khách hàng của mình.
Để đảm bảo việc nâng cấp tốc độ băng thông này, trong thời gian vừa qua VNPT đã đầu tư hơn 44 triệu USD cùng các nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu Việt Nam đầu tư xây dựng kết nối với tuyến cáp quốc tế mới APG (Asia Pacific Gateway) - tuyến cáp biển mới nhất kết nối tới Việt Nam. Với tổng dung lượng truyền tải 54.8 Terabit mỗi giây, đây cũng là cổng Internet lớn nhất Việt Nam từng có, đứng đầu châu Á hiện nay. Qua đó hạn chế gián đoạn dịch vụ khi tuyến cáp quang AAG (Asia-America Gateway) gặp sự cố, đồng thời tăng tốc độ kết nối Internet quốc tế cho người dùng trong nước.
Đối với FPT Telecom chưa đưa ra tuyên bố chính thức trước động thái của Viettel. Tuy nhiên, phía FPT Telecom lại tự tin về sức mạnh về nội dung cho các thuê bao của mình sẽ giữ chân khách hàng và cũng là lợi thế để thu hút các thuê bao mới.
Tuy nhiên tự chuyển đổi gói cước mà không hỏi ý kiến khách hàng đã gây ra bất bình cho người tiêu dùng FPT. Cùng với sự phân biệt giữa chính các khách hàng của nhà mạng này, ở cùng gói cước gốc ban đầu như nhau nhưng băng thông gói cước mới giữa những người dùng này lại có sự khác biệt. Ngoài ra, có thuê bao bị yêu cầu tăng mức chi trả tiền hàng tháng cho gói cước, nhưng lại có thuê bao vẫn được giữ nguyên giá cước gốc ban đầu.
Sau động thái này của Viettel, CMC Telecom cho biết, về cơ bản CMC Telecom không bị ảnh hưởng bởi chính sách "tăng đôi dung lượng, giữ nguyên giá cũ" của Viettel bởi CMC Telecom chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Lớp khách hàng này cần chất lượng dịch vụ tốt theo tiêu chuẩn 5 sao. CMC Telecom đang phục vụ khách hàng doanh nghiệp theo tiêu chuẩn đó. Lãnh đạo CMC Telecom cũng xác nhận những doanh nghiệp cung cấp dich vụ Internet nào hướng tới khách hàng cá nhân sẽ là những nhà cung cấp bị ảnh hưởng lớn nhất vì chương trình của Viettel.