Bộ Xây dựng vừa có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế.
Theo Bộ Xây dựng, việc nghiên cứu biên soạn mới tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ nằm trong nhiệm vụ đề ra của đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng được phê duyệt tại Quyết định 198/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tiêu chuẩn khi được ban hành sẽ hợp nhất các loại nhà ở như biệt thự, nhà liên kế, nhà ở độc lập và là công cụ cần thiết trong thiết kế, quản lý, vận hành nhà ở riêng lẻ hiện nay.
Nhà ở khu mới phải có diện tích đất hơn 50m2
Theo đó, dự thảo đã đưa ra các tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc khá chi tiết đối với công trình nhà ở riêng lẻ. Về thiết kế, nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo công năng phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Riêng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Nhà ở riêng lẻ phải xây dựng tuân theo chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao nhà ở riêng lẻ tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khoảng lùi tối thiểu của mặt tiền nhà ở riêng lẻ so với chỉ giới đường đỏ phụ thuộc chiều cao công trình và chiều rộng của lộ giới, được lấy theo quy định về quy hoạch xây dựng.
Khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà ở riêng lẻ liền kề hoặc công trình trong khu vực phát triển mới phải được quy định tại đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Bố trí các công trình, xác định chiều cao công trình phải đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên (nắng, gió…), tạo ra các lợi thế cho điều kiện vi khí hậu trong công trình và phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy…
Đặc biệt, dự thảo cũng quy định thửa đất xây dựng nhà ở riêng lẻ trong các khu quy hoạch xây dựng mới phải có diện tích không nhỏ hơn 50 m2, bề rộng mặt tiền nhà thỏa mãn các yêu cầu sau: Không nhỏ hơn 5 m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥ 19 m; không nhỏ hơn 4 m với công trình tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ < 19 m.
An toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn cũng được chú trọng như: Nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở có tối thiểu một lối ra thoát nạn tại tầng một; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có tối thiểu hai lối ra thoát nạn. Chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9 m.
Chỉ nên có tối đa 2 tầng hầm
Dự thảo cũng quy định, không làm ban công ở các ngõ/hẻm có chiều rộng nhỏ hơn 4m và có dãy nhà liền kề ở hai bên ngõ. Trường hợp chỉ có một dãy nhà ở một bên ngõ thì được làm ban công có độ vươn ra tối đa là 0,6m và chiều cao thông thủy từ mép dưới ban công tới mặt đường không nhỏ hơn 4,5m. Khi xây dựng ô văng, ban công phải bảo đảm các quy định về hành lang an toàn đối với hệ thống đường dây điện theo quy định hiện hành.
Cũng theo dự thảo, nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm, trường hợp nhà cao từ 7 tầng hoặc có 2 tầng hầm trở lên phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn cháy theo quy định hiện hành.
Với nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trong tiêu chuẩn này cần đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận tiện với phần diện tích sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh theo các quy định có liên quan.
Đặc biệt, dự thảo nêu rõ khi xây dựng nhà ở riêng lẻ có tầng hầm phải phù hợp với quy hoạch không gian ngầm của khu vực (nếu có) hoặc định hướng quy hoạch ngầm trong tương lai tại quy chế kiến trúc. Phải cung cấp dữ liệu công trình ngầm cho cơ quan quản lý cơ sở ngầm, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu tại địa phương.
Cơ quan quản lý cũng khuyến cáo nhà có hầm làm garage ngầm không nên thiết kế đường hầm garage tiếp xúc quá gần đường giao thông, lối đi lại của người và phương tiện khác. Khuyến khích lắp đặt đèn cảnh báo hoặc phương tiện cảnh báo dễ nhìn và dễ thấy.
Về chiều cao thông thủy của tầng hầm, dự thảo quy định không nhỏ hơn 2,2 m.
Về các giải pháp phòng cháy chữa cháy, dự thảo nêu trong các tầng hầm hoặc nửa hầm, không cho phép bố trí các gian phòng có sử dụng hoặc lưu giữ các chất khí và chất lỏng cháy cũng như các vật liệu dễ bắt cháy. Cần có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của tòa nhà. Các trường hợp đặc biệt cần được cấp phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, phải trang bị phương tiện hoặc có giải pháp báo cháy tự động cho nhà ở riêng lẻ trong các trường hợp: Nhà ở từ bảy tầng trở lên; tầng hầm hoặc tầng nửa hầm có diện tích từ 200 m2 được sử dụng làm kho chứa đồ, vật phẩm/hàng hóa phục vụ nhu cầu kinh doanh hoặc sử dụng làm chỗ đỗ xe…