Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, giá một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá hàng tiêu dùng, thực phẩm, giá xăng dầu; nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động.
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có sự chủ động tham gia tích cực, có hiệu quả của tổ chức Công đoàn, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố năm 2023 ổn định, không xảy ra hiện tượng tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể kéo dài. Đa số người lao động đã nhận thức đúng đắn và chia sẻ những khó khăn, đồng hành cùng người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.
Dự báo, số lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp tục tăng, do số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng làm việc từ thứ Hai, ngày 19/2/2024 (tức ngày mùng 10 Tết).
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, Công đoàn luôn mong muốn có việc làm đầy đủ cho người lao động. Vì vậy, ngoài việc chăm lo cho người lao động có một cái Tết ấm áp, Công đoàn đã vận động doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động người lao động trở lại làm việc đúng thời gian, làm việc nghiêm túc từ ngày làm việc đầu tiên, để tạo không khí phấn khởi, hăng say.
Thông qua đó, góp phần tạo động lực cho một năm mới thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho công nhân lao động.
Sau Tết, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng sẽ tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại một số doanh nghiệp và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, để động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
Năm nay, thành phố cũng tổ chức 6 chuyến xe đón trên 200 công nhân lao động ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An quay trở lại Hà Nội làm việc.
Về tiền thưởng Tết 2024, đối với thưởng Tết Dương lịch 2024 giảm từ 16,67% đến 32,31% so với Tết Dương lịch 2023. Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 giảm từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội nhận định tiền thưởng Tết của người lao động bị giảm đáng kể so với năm 2023 do tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn, bị thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng chia sẻ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đoàn viên, người lao động trở lại làm việc ổn định là niềm vui lớn; điều này thể hiện rõ nét vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức 5 đoàn công tác do các đồng chí Thường trực LĐLĐ Thành phố làm trưởng đoàn trực tiếp đến các cơ quan, nhà máy nắm tình hình công nhân lao động quay trở lại làm việc sau Tết. Ghi nhận thực tế cho thấy, tư tưởng công nhân lao động ổn định, có tinh thần phấn khởi để bắt tay ngay vào công việc.