Huawei coi hệ điều hành mới là một bước quan trọng trong việc giải quyết tác động của các lệnh trừng phạt từ chính phủ Mỹ đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ trên toàn thế giới. Ngoài lệnh cấm sử dụng sản phẩm Google, Huawei cũng mất quyền truy cập vào công nghệ quan trọng của Mỹ để sản xuất chip xử lý Kirin của riêng mình.
Thông tin ra mắt hệ điều hành mới của Huawei là tin vui đối với người dùng nước này. Các bình luận của họ trên mạng xã hội cho thấy điều đó. Trên các mạng xã hội Trung Quốc như Sina, Weibo, Douyin (phiên bản TikTok cho thị trường nội địa) xuất hiện các bình luận như: "Vậy là HarmonyOS cuối cùng cũng có bản chính thức. Tôi đang dùng hai chiếc điện thoại Huawei và đang hồi hộp chờ trải nghiệm", tài khoản tên Huang viết trên Weibo; "Huawei sẽ tự chủ và phát triển trở lại mảng smartphone với HarmonyOS, không còn phụ thuộc công nghệ Mỹ. HarmonyOS sẽ sớm trở thành nền tảng phổ biến trên thế giới", một người dùng Sina tên Chen Qiaoen bình luận.
Thực tế, trước khi ra mắt chính thức, Huawei đã cho triển khai bản dùng thử hoàn thiện của HarmonyOS, mới nhất là phiên bản HarmonyOS 2.0 Beta 3. Làn sóng chia sẻ trải nghiệm nền tảng mới cũng lan tỏa mạnh mẽ.
Giải pháp của Huawei là tập trung vào hệ sinh thái phần mềm của mình. Một bản ghi nhớ nội bộ của công ty được tiết lộ gần đây cho thấy nhà sáng lập kiêm CEO Huawei Ren Zhengfei đã kêu gọi nhân viên “dám dẫn đầu thế giới” trong lĩnh vực phần mềm nhằm chống lại tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông cho biết việc chuyển đổi sang phần mềm và dịch vụ sẽ mang lại cho công ty “sự độc lập và tự chủ lớn hơn” vì chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ.
Tuy nhiên, các blog cũng "chê" rằng do hệ sinh thái của Huawei còn non nớt, hầu hết các ứng dụng hiện đang chạy trong hệ thống HarmonyOS thực ra vẫn đang chạy trên nền Android, do đó độ trôi chảy vẫn còn tương đối hạn chế. Hay nói cách khác, chính nền tảng Android là thứ đã cản trở hiệu quả của HarmonyOS.
Trên thực tế, không phải ai cũng có quan điểm giống với những nhận định trên. Một số lập trình viên thử nghiệm HarmonyOS đã phát hiện rằng hệ điều hành này của Huawei thực chất chỉ là một phiên bản Android "trá hình". Nó không chỉ có giao diện gần như tương đồng so với EMUI mà còn "thừa hưởng" cấu trúc hệ thống hay ứng dụng. Thậm chí, bộ phát triển ứng dụng (SDK) của HarmonyOS cũng sử dụng rất nhiều thành phần từ Android.
Một người dùng tại Trung Quốc sử dụng chiếc Mate 40 Pro+ đã nâng cấp từ Android lên phiên bản thử nghiệm của HarmonyOS. Trước đó, anh này có cài đặt một số ứng dụng Google, trong đó bao gồm cửa hàng ứng dụng Play Store.
Thế nhưng, sau khi lên HarmonyOS, các dịch vụ Google vẫn có thể sử dụng được. Thậm chí, anh này còn có thể sử dụng Play Store để tải về cũng như cập nhật các ứng dụng. Với việc Google không cho phép Play Store có thể chạy trên bất kỳ nền tảng nào khác ngoài Android, có thể một lần nữa thấy rằng HarmonyOS của Huawei thực chất vẫn chỉ là Android, chứ không phải một nền tảng mới hoàn toàn.