Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ngày 15/8 mạnh tay nâng lãi suất và tuyên bố khả năng tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa, nhưng động thái này chưa đủ để đồng Rúp đảo ngược xu thế giảm. Mất khoảng 1/4 giá trị từ đầu năm đến nay, Rupble Nga đang là một trong những đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi mất giá mạnh nhất năm 2023.
Trong một cuộc họp khẩn cấp, CBR quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 12% từ 8,5% trước đó. Đây là đợt nâng lãi suất thứ hai liên tiếp của Nga và là đợt tăng mạnh nhất kể từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra cách đây 18 tháng.
Quyết định tăng lãi suất được đưa ra sau khi đồng ruble giảm mạnh so với đồng USD ở mức 101,04 rup đổi 1 USD trong ngày 14/8. Ông Maxim Oreshkin - trợ lý của tổng thống Nga đổ lỗi cho Bank Rossiya làm suy yếu đồng rup do chính sách tiền tệ lỏng lẻo.
Sau khi tuyên bố tăng lãi suất của CBR được đưa ra, đồng rup tăng giá nhẹ, nhưng sau đó nhanh chóng quay trở lại với xu hướng giảm. Cuối phiên ngày 15/8 tại thị trường Moscow, ruble giảm 1,1%, giao dịch ở mức gần 99 rup đổi 1 USD. Tính từ đầu năm, đồng ruble đã giảm giá khoảng 25%.
Việc Ruble giảm giá nhanh đã đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của CBR. Mới cách đây 3 tuần, ngân hàng trung ương này tăng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm sau một thời gian dài cảnh báo rằng lãi suất sẽ phải tăng để ứng phó với rủi ro lạm phát đến từ chi tiêu chính phủ tăng, lệnh trừng phạt, và tình trạng khan hiếm lao động do chiến tranh.
Áp lực tăng lãi suất đối với CBR tăng cao hơn nhiều trong tháng này, khi tốc độ lạm phát hàng năm vượt ngưỡng mục tiêu 4% của CBR lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Cố vấn kinh tế của điện Kremlin, ông Maxim Oreshkin nói rằng CBR “có tất cả các công cụ cần thiết để bình thường hoá tình hình trong tương lai gần”. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài tăng lãi suất và siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn, các lựa chọn khác của CBR là rất hạn chế.
Phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga đang bị đóng băng bởi lệnh trừng phạt, nên khó có chuyện CBR can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối nếu đà giảm của đồng Ruble một lần nữa bị đẩy mạnh.
Đến ngày 17/8, Đồng rup của Nga đã mạnh lên 93 so với đô la Mỹ (USD) và lên 101 so với đồng euro. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 1/8 đồng rúp tăng giá, sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản lên 12%.
Những người tham gia thị trường cũng cho rằng sự phục hồi nói trên của đồng rup là do có tin tức cho rằng chính quyền Nga được cho là sẽ hạn chế đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự trượt giá của đồng rúp. Các nhà kinh tế đã liên kết sự mất giá của đồng tiền Nga với khối lượng doanh thu ngoại hối thấp của các nhà xuất khẩu.
Theo hãng truyền thông Vedomosti, một quyết định đã được đưa ra để tạm dừng việc thắt chặt kiểm soát vốn trong thời điểm hiện tại để đổi lấy sự nhượng bộ từ các nhà xuất khẩu. Nội các Nga được cho là đã đạt được một thỏa thuận không chính thức với các nhà xuất khẩu hàng đầu của đất nước, theo đó các nhà xuất khẩu hàng đầu cam kết tăng doanh thu ngoại tệ của họ.
Năm ngoái, chính quyền Nga đã đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với việc di chuyển vốn sau khi đồng rúp giảm xuống mức thấp lịch sử do lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này bao gồm việc bắt buộc bán 80% thu nhập ngoại hối để hỗ trợ đồng ruble. Các nhà xuất khẩu được yêu cầu bán ngoại tệ ghi có vào tài khoản của họ tại các ngân hàng được phép với số lượng được xác định bởi một sắc lệnh của Tổng thống. Sau khi nền kinh tế điều chỉnh để hoạt động dưới các lệnh trừng phạt và đồng rúp phục hồi, Ngân hàng Trung ương Nga đã loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn.
Đồng tiền của Nga đã suy yếu so với đồng đô la kể từ đầu tháng 6, khi nó được giao dịch ở mức khoảng 80-81 so với đồng bạc xanh.