Trước đó, WHO đã công bố tên gọi mới cho 2 biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ phổ biến nhất hiện nay nhằm tránh những hàm ý địa lý tiêu cực.
Clade I là tên gọi mới dành cho biến thể có nguồn gốc từ Congo (Trung Phi) mà trước đây hay được gọi với tên không chính thức là “biến thể lưu vực (sông) Congo,” trong khi Clade II là tên mới chỉ biến thể có nguồn gốc từ Tây Phi. WHO cũng xác nhận biến thể Clade II có 2 biến thể phụ là Clade IIa và Clade IIb, trong đó, Clade IIb được cho là đang gây ra làn sóng bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu.
Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 17/8, WHO khẳng định 2 biến thể phụ Clade IIa và Clade IIb có quan hệ với nhau và có cùng một “tổ tiên,” do đó Clade IIb không phải là biến thể phụ của Clade IIa. Clade IIb bao gồm các virus được thu thập trong những năm 1970 và từ năm 2017 trở lại đây.
WHO giải thích: “Khi nghiên cứu bộ gen, thực sự có một số khác biệt di truyền giữa các virus của đợt bùng phát hiện nay và các virus thuộc biến thể Clade IIb trước kia. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết gì về ý nghĩa của những đột biến di truyền này và công tác nghiên cứu đang được tiến hành để xác định tác động (nếu có) của các đột biến đối với sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh.”
Theo WHO, hiện chưa có thông tin gì về vai trò của những đột biến này đối với cách thức tương tác của virus đậu mùa khỉ đối với phản ứng miễn dịch của con người.
Cũng theo WHO, quá trình đặt lại tên cho căn bệnh đậu mùa khỉ có thể “phải mất vài tháng”. Thời gian gần đây, WHO đã bày tỏ quan ngại về tên gọi hiện nay của căn bệnh, trong đó các chuyên gia cho rằng cách gọi “đậu mùa khỉ” vừa không chính xác vừa dễ gây hiểu nhầm.
Tên gọi hiện nay xuất phát từ việc virus gây bệnh được phát hiện ở những con khỉ thí nghiệm tại Đan Mạch hồi năm 1958. Tuy nhiên, căn bệnh xuất hiện phổ biến nhất ở các loài gặm nhấm, và đợt dịch hiện nay bùng phát qua tiếp xúc gần giữa người với người.
Cảnh báo đậu mùa khỉ lây từ người sang động vật
Cũng trong cuộc họp báo ngày 17/8, WHO kêu gọi người bị nhiễm đậu mùa khỉ hạn chế tiếp xúc với động vật để tránh lây truyền virus. Tuyên bố đưa ra sau khi Pháp ghi nhận trường hợp một con chó săn giống Italy lây nhiễm đậu mùa khỉ từ chủ nuôi.
"Đây là trường hợp đầu tiên virus lây truyền từ người sang động vật. Chúng tôi tin rằng đây cũng là lần đầu chó bị nhiễm bệnh", tiến sĩ Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, cho biết.
Bà cho biết các chuyên gia đã nhận thức được rủi ro của tình trạng này. Các cơ quan y tế công cộng cũng khuyến cáo người bệnh "cách ly với vật nuôi của họ".
Ngoài ra, tiến sĩ Lewis cũng nhận định việc "xử lý chất thải sinh hoạt rất quan trọng" trong công tác giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh ra các loài gặm nhấm và động vật bên ngoài hộ gia đình.
Bà cho biết người dân cần nắm được thông tin về cách bảo vệ vật nuôi của họ cũng như cách xử lý chất thải để động vật nói chung không bị phơi nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Trên thực tế, virus có thể vượt qua ranh giới giữa các loài và lây nhiễm từ người sang động vật hoặc ngược lại. Điều này làm dấy lên lo ngại chúng sẽ đột biến theo hướng nguy hiểm hơn.
Tiến sĩ Lewis nhận định đến nay chưa có báo cáo nào về việc đậu mùa khỉ đột biến theo hướng nguy hiểm. Tuy nhiên, bà cho biết nếu virus di chuyển đến một môi trường khác trong một quần thể khác, nó chắc chắn có khả năng phát triển và đột biến bất thường.
"Kịch bản xấu hơn là một loại virus có thể di chuyển vào quần thể động vật có vú nhỏ với mật độ cao. Nó lây nhiễm cho rất nhiều cá thể và sẽ tiến hóa", Michael Ryan, giám đốc trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết cộng đồng không cần quá lo lắng về việc đậu mùa khỉ sẽ đột biến khi lây nhiễm cho vật nuôi trong nhà. "Tôi không nghĩ rằng virus sẽ tiến hóa ở chó nhanh hơn so với người. Chúng ta cần cảnh giác, nhưng vật nuôi không phải nguy cơ quá lớn", ông nhận định.