Tổng cục Hải quan nhận định doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm ưu thế gần tuyệt đối trong ngành hàng xuất khẩu chủ lực liên quan đến lĩnh vực điện tử như điện thoại, máy tính.
Phó viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mặt hàng điện tử lớn 12 thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN, với hành chục tỷ USD/năm nhưng phần lớn DN nội vẫn chủ yếu tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng. Ngành điện tử hiện phải nhập khẩu khoảng 77% giá trị sản phẩm, tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp.
Phan
Phần sản xuất nội địa chỉ tập trung vào một số linh kiện cơ khí, nhựa - cao su. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, trong khi, các DN FDI trong ngành này đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh phụ kiện thì các DN điện tử trong nước vẫn gần như chỉ khai thác sản phẩm cũ, lợi nhuận rất thấp và giá trị gia tăng chỉ ước tăng 5-10% nên khó có thể cạnh tranh với DN ngoại.
“Trong một thời gian dài ở Việt Nam đã có quá nhiều DN đầu tư vào điện tử dân dụng, tuy nhiên sau khi các tập đoàn lớn có sản xuất lắp ráp điện tử dân dụng rời khỏi Việt Nam, các DN Việt lại chỉ tập trung vào lắp ráp, phân phối mà không tập trung đầu tư chiều sâu, công nghệ và tự động hoá dẫn đến mất dần năng lực cạnh tranh”, bà Hương nói.
Lý giải vấn đề này, bà Hương cho rằng, các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là DN vừa và nhỏ, khó có thể đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, nhất là nếu có đầu tư thì khó có hiệu quả cao ngay từ đầu nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ đầu tư công nghệ. So với DN FDI, các DN Việt Nam hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ như đất đai, thuế… Bên cạnh đó, việc nhập khẩu các linh kiện cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là nhập các linh kiện để sản xuất các thiết bị đặc chủng được miễn thuế nhập khẩu.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp FDI không chỉ chiếm ưu thế trong ngành điện tử mà còn ở cả các ngành nghề khác. Sự chênh lệch lớn về kim ngạch XK của 2 khu vực FDI và trong nước luôn là điều nhận thấy rõ ràng trong các báo cáo tài chính cuối năm của Tổng cục Hải quan. Trong khi đó khối DN trong nước vẫn chưa có sự bứt phá, do thiếu vốn và sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ. Một số nhóm hàng được dự báo là tăng trưởng khi VN tham gia các hiệp định tự do thương mại (FTA) như dệt may, da giày vẫn chưa tạo được sự chuyển biến. Cán cân xuất khẩu giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong những năm gần đây vẫn y nguyên như vậy.