Mới đây, hãng thông tấn Interfax tiết lộ nhà chức trách Nga đang tiến hành kiện 5 nền tảng truyền thông lớn, bao gồm Google, Facebook, Twitter, Telegram và TikTok. Vụ bắt giam chính khách đối lập Alexei Navalny ngày 17.1 đã gây ra làn sóng biểu tình trên toàn quốc và được lan truyền trên khắp các mạng xã hội, trong đó không thiếu những bài đăng khuyến khích trẻ em dưới 18 tuổi đi biểu tình chống Điện Kremlin.
Hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin từ một tòa án Moscow cho biết Twitter đang chịu áp lực ở Nga sau khi nó được coi là 1 trong 5 nền tảng mạng xã hội bị kiện vì cáo buộc không xóa các bài đăng kêu gọi trẻ em tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Tính đến hôm nay, Roskomnadzor cho biết đã có hơn 3.000 bài đăng chứa nội dung bất hợp pháp trên Twitter, liên quan đến dâm ô trẻ em, cổ xúy trẻ tự tử hay lạm dụng ma túy, thế nhưng công ty vẫn tiếp tục làm ngơ yêu cầu gỡ bài từ phía chính quyền Nga.
Roskomnadzor thông báo: "Việc giảm tốc độ được áp dụng 100% trên thiết bị di động, 50% cho thiết bị khác. Nếu Twitter tiếp tục phớt lờ yêu cầu của luật pháp, các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện...".
Cơ quan này không đề cập lời kêu gọi tham gia biểu tình của phe đối lập đòi trả tự do cho ông Navalny đã khiến giới chức Nga tức giận đầu năm nay.
Roskomnadzor cho biết, các hạn chế sẽ dẫn đến "tốc độ dịch vụ chậm lại" đối với tất cả người dùng di động và 50% người dùng máy tính để bàn, tuy nhiên chỉ ảnh hưởng đến nội dung ảnh và video.
Trước đó, giới chức Nga vào tháng 1 vừa qua đã cáo buộc các công ty internet nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ do không xử lý những lời kêu gọi biểu tình ủng hộ ông Navalny.
Tổng thống Vladimir Putin sau đó đã cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty công nghệ lớn khi cho rằng họ đang "cạnh tranh" với các quốc gia có chủ quyền.
Roskomnadzor cảnh báo, nếu Twitter phớt lờ luật Nga, công ty có thể bị hạn chế hơn nữa, kể cả cấm hoàn toàn.
Theo trang mạng giám sát công nghệ Downdetector, người dùng Twitter ở Nga đã cho biết, tình trạng gián đoạn gia tăng sau khi các biện pháp được công bố.
Những năm gần đây, Moscow bắt đầu siết chặt luật internet, yêu cầu các hãng công nghệ xóa một số kết quả tìm kiếm cũng như đề nghị các ứng dụng nhắn tin phải chia sẻ khóa mã hóa để lưu dữ liệu người dùng trên máy chủ Nga. Dù chỉ là phỏng đoán, nhiều người vẫn lo sợ Nga sẽ đi theo con đường phong tỏa internet như Trung Quốc. Năm 2018, Nga muốn cấm Telegram nhưng do không thể chặn ứng dụng này về mặt kỹ thuật nên quyết định công khai dỡ bỏ lệnh cấm.
Trước tình hình này, trong một tuyên bố qua thư điện tử cùng ngày, Twitter cho biết, họ "quan ngại sâu sắc về việc gia tăng nỗ lực khóa và ngăn chặn các cuộc trò chuyện công khai trực tuyến".
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi biết các thông tin về việc Twitter đang bị cố tình làm chậm lại trên diện rộng và bừa bãi ở Nga do lo ngại trước cần phải xóa các nội dung".