Theo đó, GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn 2011-2023, con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP của các quý II lần lượt là 6,25%; 5,56%; 5,39%; 6,19%; 7,11%; 6,74%; 6,66%; 7,1%; 7,16%; 0,34%; 6,58%; 7,83%; 4,14%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước đạt 3,72%. Con số này cũng chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 6,1%; 5,25%; 5,03%; 5,86%; 6,68%; 6,13%; 5,93%; 7,43%; 7,12%; 1,74%; 5,76%; 6,46%; 3,72%.
Cũng theo GSO, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng qua. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%.
Bên cạnh đó có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.
Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2-2023 cũng cho thấy có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 1 và 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý 3 sẽ tốt lên.
Trong khi đó, báo cáo cho thấy hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động, duy trì tốc độ tăng tích cực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 3,016 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 1,8% và luân chuyển hành khách tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 10,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6 đạt 975.000 lượt người, tăng 6,4% so với tháng trước và gấp 4,1 lần cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tính chung CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước do giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước.
Bà Hương cũng dự báo kinh tế - xã hội quý 3 năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong nước, tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) vẫn được đảm bảo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất để doanh nghiệp và người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động bảo hiểm trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn nhưng đã lấy lại đà tăng trưởng; thị trường chứng khoán cũng có những tín hiệu tích cực trở lại.