Trong thư gửi tới Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland hôm thứ Tư, Thượng nghị sĩ Ron Wyden cho biết văn phòng của ông đã điều tra một nguồn tin cáo buộc các cơ quan chính phủ nước ngoài buộc Apple và Google giao dữ liệu các thông báo đẩy.
Các thông báo đẩy như thông báo tin tức, email và thông báo trên mạng xã hội được truyền qua máy chủ của Apple và Google, nên chúng có thể tiết lộ dữ liệu về người dùng ứng dụng.
Tuy nhiên, người dùng dường như không nhận ra các thông báo như trên đều đã đi qua máy chủ của Google và Apple trước khi được chuyển đến họ.
Các chính phủ có thể buộc Apple và Google giao nộp những dữ liệu này cũng như bất kỳ thông tin nào khác về người dùng. Tuy nhiên, tại Mỹ, ông Wyden cho biết thông tin về hồ sơ thông báo đẩy không được công bố rộng rãi.
“Apple và Google cần được phép minh bạch về các yêu cầu pháp lý mà họ nhận được, đặc biệt là từ các chính phủ nước ngoài”, ông Wyden nói, cho biết thêm sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp bãi bỏ hoặc sửa đổi bất kỳ chính sách nào cản trở sự minh bạch này.
Wyden không nêu rõ chính phủ nào đã yêu cầu Apple và Google cung cấp dữ liệu thông báo đẩy.
Trong khi đó, một nguồn tin xác nhận rằng một số cơ quan chính phủ trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã yêu cầu Google và Apple cung cấp thông tin từ thông báo đẩy. Một trong những yêu cầu này là cung cấp siêu dữ liệu có thể giúp kết nối người dùng ẩn danh trên ứng dụng nhắn tin với tài khoản Apple và Google cụ thể.
Mặc dù chưa có nhiều thông tin chi tiết về nghi vấn này nhưng những tiết lộ trong bức thư của thượng nghị sĩ Wyden đã phần nào cho thấy chính phủ một số nước có thể đang theo dõi người dân thông qua thông báo trên điện thoại thông minh.
Trong khi đó, Apple cho biết lá thư của ông Wyden đã mở ra cơ hội cần thiết để công ty này có thể chia sẻ thêm thông tin chi tiết về cách chính phủ một số nước giám sát người dân thông qua chức năng thông báo trên điện thoại.
“Chính phủ liên bang đã cấm chúng tôi chia sẻ bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc do thám người dân”, Apple nêu trong một tuyên bố.
Hãng công nghệ này tiết lộ thêm rằng họ đang cập nhật các báo cáo một cách minh bạch để nêu rõ chi tiết về việc chính phủ giám sát người dùng.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về việc liệu chính phủ có đang giám sát người dân thông qua các thông báo trên điện thoại hay không.
Cơ quan này cũng từ chối lên tiếng về động thái cấm Apple và Google đề cập đến việc chính phủ giám sát người dân.
Đến nay, cả Google và Apple đều không ít lần vướng vào kiện tụng do nghi vấn theo dõi người dùng.