Trong tuần qua, TSMC - nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan - đã thông báo với các đối tác tại Trung Quốc đại lục rằng họ sẽ ngừng cung cấp các dòng chip cao cấp, cụ thể là những chip có tiến trình dưới 7 nm. Theo nguồn tin từ Financial Time*, lệnh cấm này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 11/11. Đây được xem là bước đi nhằm tuân thủ các quy định của Mỹ về kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.
Lý do TSMC áp dụng biện pháp cứng rắn này là vì các chip của hãng bị phát hiện trong bộ xử lý AI của Huawei, mang tên 910B, vào tháng 10. Việc này làm dấy lên nghi ngờ TSMC có thể đã vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, vốn được thiết lập để hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của các hãng công nghệ Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Mặc dù TSMC đã phủ nhận bất kỳ hành động sai phạm nào và cam kết hợp tác với Bộ Thương mại Mỹ để điều tra, việc tạm ngừng cung cấp chip cho thị trường Trung Quốc vẫn được tiến hành như một biện pháp phòng ngừa. Công ty cho biết: “TSMC luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện hành.”
Theo dữ liệu của Visible Alpha, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 11% doanh thu của TSMC trong quý 3, đứng sau thị trường Bắc Mỹ với 71%. Động thái ngừng cung cấp chip lần này không chỉ là thách thức lớn cho các hãng công nghệ Trung Quốc mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu quan hệ thương mại của TSMC với khu vực này.
Trước đó, TSMC cũng đã ngừng xuất khẩu chip cho công ty Trung Quốc Sophgo, sau khi xuất hiện cáo buộc công ty này chuyển sản phẩm sang Huawei - một động thái bị nghi ngờ là lách luật. Tuy nhiên, Sophgo đã lên tiếng phủ nhận. Cùng với đó, một công ty khác của Mỹ là GlobalFoundries cũng bị phạt 500.000 USD vì cung cấp chip cho một chi nhánh của SMIC - công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc hiện đang nằm trong danh sách hạn chế của Mỹ.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các hãng công nghệ Trung Quốc từ lâu đã khiến giới công nghệ toàn cầu xáo trộn. Với việc phát hiện chip TSMC xuất hiện trong các sản phẩm của Huawei, câu hỏi về hiệu quả của những lệnh trừng phạt này lại một lần nữa được đặt ra. Ngay cả khi các hãng như Huawei khẳng định không trực tiếp nhận chip từ TSMC kể từ năm 2020, các nghi vấn về khả năng lách luật vẫn làm đau đầu giới chức Mỹ.
Trong bối cảnh này, các động thái cứng rắn của TSMC có thể là dấu hiệu của xu hướng tái cấu trúc nguồn cung công nghệ và các chuỗi sản xuất để đảm bảo tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ Mỹ.