Starbucks trụ sở chính tại Seattle, Washington, Hoa kỳ. Hãng có 20.366 cửa hàng ở 61 quốc gia bao gồm 13.123 quán ở Hoa Kỳ, 1.299 quán ở Canada, 977 quán ở Nhật Bản, 793 quán ở Anh, 732 quán ở Trung Quốc, 473 quán ở Hàn Quốc, 363 quán ở Mexico, 282 quán ở Đài Loan, 204 quán ở Philipine và 64 quán ở Thái Lan. Đầu năm 2013, Starbucks đã mở cửa hàng tại khách sạn 5 sao New World, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Đây là cửa hàng đầu tiên của Starbucks tại Việt Nam:
Thương hiệu Starbuck được tạo bởi 3 yếu tố chính:
- Chất lượng café tuyệt hảo
Trong ngành kinh doanh này không gì quan trọng bằng hương vị café. Starbucks chú trọng đến mức cuồng tín việc phải mua bằng được các loại café Arabica chất lượng thượng hạng nhất trên thế giới và rang chúng đến mức sẫm màu, đủ khơi dậy các đặc tính hương vị theo từng loại riêng. Nó trở thành một chuẩn mực đối với Starbucks và mọi điều khác họ làm đều cần phải xuất sắc như chất lượng cafe của họ. Ở tất cả các cửa hàng, cafe quá 8 ngày sẽ được sung vào ngân hàng thực phẩm. Các quản lý cửa hàng sẽ trao tặng cafe cho những hoạt động gây quỹ.
- Đội ngũ nhân viên
Khác với những nhà bán lẻ thông thường khác, Starbucks phát triển thương hiệu thông qua đội ngũ nhân viên của chính mình chứ không phải quảng cáo rầm rộ khắp nơi. Họ tin rằng cách tốt nhất để đáp ứng và hoàn thành vượt mức kỳ vọng của khách hàng là tuyển dụng và đào tạo nhân viên có niềm đam mê đặc biệt đối với cafe ngon. Tình yêu và sự nhiệt huyết của các nhân viên bán lẻ mà Starbucks sở hữu khiến họ trở thành những đại sứ tốt nhất cho thương hiệu của mình. Đó là bí mật mang lại sức mạnh cho thương hiệu Starbucks.
Một trong những quản lý cấp cao của starbucks là Dave Olsen nói: “Café mà không có con người chỉ là một cấu trúc mang tính lý thuyết. Con người không có café ở một chừng mực nào đó thiếu đi tính toàn vẹn”
Howard Behar một quản lý khác: “Chúng ta không thuộc ngành kinh doanh café phục vụ con người. Mà chúng ta thuộc ngành kinh doanh con người phục vụ café”. Theo thống kê điều tra:
+ 88% nhân viên hài lòng với công việc của mình
+ 85% tin rằng Starbucks thực sự quan tâm đến các nhân viên của mình
+ 89% tự hào khi được làm việc ở Starbucks
+ 100% nghĩ rằng làm việc cho một công ty mà mình được tôn trọng là một yếu tố quyết định sự hài lòng trong công việc.
Lợi thế cạnh tranh của Starbucks so với các thương hiệu cafe lớn chính là yếu tố con người. Kinh doanh ở siêu thị bán lẻ không có tương tác cá nhân. Nhưng ở bất kỳ cửa hàng nào của starbucks, bạn đều được tiếp xúc với những con người thực sự, những người am tường và yêu thích cafe, những người đầy nhiệt huyết công việc. Họ truyền đến khách hàng kiến thức và tình yêu của họ đối với Starbucks. Thành công của starbucks chứng mình rằng một chương trình quảng cáo nhiều tiền – triệu đô la không phải là yếu tố tiên quyết khi xây dựng thương hiệu. Họ tạo dựng bằng từng khách hàng một, từng cửa hàng một, từng thị trường một. Bằng con đường truyền miệng, bằng lòng kiên trì và giữ vững nguyên tắc về chất lượng.
- Các cửa hàng café
Jamie Shennan thành viên ban quản trị Starbucks, người hoạch định chiến lược marketing phát biểu : “Những thương hiệu lớn luôn có một “bản sắc” đặc biệt độc đáo và dễ nhớ, một sản phẩm giúp khách hàng đẹp hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn, và một kênh truyền đạt vững chắc nhưng vẫn mang lại cho khách hàng sự thoải mái, trong trường hợp Stasbucks đó chính là các cửa hàng”.
Các cửa hàng trông tương tự nhau nhưng không hề như kiểu dập khuôn. Các loại vật liệu gỗ được thay đổi tùy theo kiểu bình dân ở những cửa hàng ngoại ô hay phong cách ở trung tâm. Starbucks luôn tạo dựng cá tính trong từng thiết kế. Các khách hàng đến với Starbucks luôn đón đợi một sự xa xỉ với mức giá vừa phải. Thương hiệu Starbucks không chỉ nói lên rằng đó là loại café ngon mà cái khách hàng cảm nhận được khi vào quán người ta gọi là: “Trải nghiệm Starbucks” - Một không gian mở và thú vị trong các cửa hàng khiến khách hàng cảm thấy thoải mái, gần gũi lại rất thời thượng và tinh tế. Khi vào bất kì quán cafe nào của Starbucks khách hàng cảm thấy đây như một “chốn thứ ba”, một nơi nghỉ chân thú vị, đầy cảm hứng, thậm chí đôi lúc còn trầm mặc, thoát khỏi áp lực công việc và gia đình. Mọi người đến để thư giãn, để có được chút giải lao trong chuỗi ngày bận rộn, một phút hưởng thụ cá nhân. Nên Starbucks tập trung vào thiết kế cửa hàng sao cho khách hàng có thể nhận được những gì tốt đẹp nhất. Cố gắng không để xảy ra bất cứ một sai lầm nhỏ nào làm ảnh hưởng đến thương hiệu của họ. Tất cả đều có ý nghĩa của nó.
Mỗi một cửa hàng Starbucks đều được thiết kế cẩn thận sao cho có thể tăng cường giá trị của mọi thứ mà khách hàng có thể tiếp cận bằng thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác, hay vị giác. Tất cả các tín hiệu giác quan này phải được chạm đến ở những tầm cao tương đương nhau. Tranh ảnh, âm nhạc, hương thơm, diện mạo, hết thảy đều phải truyền tải được cùng một thông điệp ngầm như hương café tuyệt hảo của Starbucks. Mọi thứ phải thật thượng hạng.