Đây là lần đầu Musk nhắc đến kết quả thử nghiệm kể từ tháng 5 năm ngoái, sau khi Neuralink được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc đưa chip vào não người. "Đây là khởi đầu quan trọng cho tương lai, khi công nghệ của chúng tôi sẽ được ứng dụng để giúp đỡ nhiều người hơn", Neuralink viết trên X ngày 25/5/2023 và được Musk chia sẻ lại cùng lời nhắn: "Chúc mừng đội ngũ".
Thời gian qua, Neuralink đã tìm kiếm tình nguyện viên. Ngày 19/9/2023, công ty cho biết vượt qua bài kiểm tra từ hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành tại Mỹ, qua đó được phép thử nghiệm cấy chip lên người bại liệt.
Hai tháng sau, Ashlee Vance, người viết tiểu sử đầu tiên cho Musk năm 2015, cho biết hàng nghìn người đã đăng ký tham gia thử nghiệm của Neuralink. "Dù thu hút sự quan tâm, công ty vẫn chưa tìm được người phù hợp đầu tiên", Vance nói khi đó.
Với công bố từ chính Elon Musk, Neuralink có thể đã tìm được người cấy ghép chip.
Neuralink đã mô tả thử nghiệm đầu tiên trên người trong một thông cáo báo chí vào năm ngoái, được đặt tên là PRIME, hay “Giao diện máy tính - não được cấy ghép chính xác bằng robot”.
Công ty hy vọng sẽ phát triển một “giao diện máy tính - não không dây, có thể cấy ghép”, mở ra phương pháp điều trị đột phá cho những người mắc nhiều loại khuyết tật khác nhau, bao gồm cả bệnh liệt.
Neuralink cho biết sẽ sử dụng Robot R1 để phẫu thuật cấy ghép con chip vào vùng não điều khiển chức năng vận động, nhằm mục đích “ghi lại và truyền tín hiệu não không dây đến một ứng dụng giải mã ý định chuyển động”.
Thiết bị này cho phép điều khiển smartphone hoặc máy tính bằng suy nghĩ. Trước đó, hãng từng chiếu video về những chú khỉ được cấy chip có thể di chuyển con trỏ và chơi game điện tử Pong.
Bộ cấy của Neuralink bao gồm một con chip kích thước chỉ bằng 1/4 vi xử lý thông thường và được cấy vào hộp sọ. Kèm theo đó là 1.000 điện cực được phân bổ trên 64 sợi, mỗi sợi mỏng hơn một sợi tóc người. Chúng được cấy vào hộp sọ và chuyển tiếp tín hiệu điện từ tế bào thần kinh.
Song, câu hỏi đặt ra là bộ não được cấy ghép sẽ phản ứng thế nào với các sợi dây được chèn vào theo thời gian. Một rủi ro có thể xảy ra là mô não phát triển xung quanh các điện cực, làm suy giảm tín hiệu điện mà chúng thu được.
Tỷ phú Elon Musk cũng bày tỏ hy vọng việc cấy ghép não cũng có thể cho phép người mù lấy lại thị lực. Mặc dù vẫn chưa có kết quả từ cuộc thử nghiệm trên người đầu tiên, nhưng tỷ phú này đã nhiều lần trình diễn chip não, bao gồm cả buổi thuyết trình vào tháng 4/2021, trong đó một con khỉ đã chơi trò chơi bằng trí óc.
Neuralink được Musk đồng sáng lập năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Mục tiêu của công ty là phát triển thành công giao diện não - máy tính để cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai. Tuy nhiên, công ty hiện đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các công ty khởi nghiệp như Synchron và Onward. "Musk cảnh báo Neuralink phải tăng tốc giống như cách thế giới đối phó với ngày tận thế".