Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và phát triển thương hiệu của sản phẩm doanh nghiệp thông qua kênh thương mại điện tử của Amazon. Ngày 14/1/2019, Cục Xúc tiến Thương mại đã ký hợp tác với Amazon Global Selling, đơn vị này đã hỗ trợ và tổ chức các hoạt động theo chuỗi, giúp cho các doanh nghiệp trong nước quảng bá sản phẩm cũng như bán hàng xuyên biên giới.
Sau một thời gian phối hợp, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon đã thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 với các nội dung cụ thể như: Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử; Nghiên cứu phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thương mại điện tử với Amazon. Đồng thời thực hiện chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử.
Năm 2019. Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử đã lựa chọn 105 doanh nghiệp tham gia. Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon thông qua các buổi tập huấn kỹ năng và tư vấn chuyên sâu bao gồm các bước như tạo tài khoản, lên danh sách mặt hàng, vận hành tài khoản, tiếp cận dịch vụ vận chuyển và giao hàng của Amazon cũng như giải quyết các vấn đề khác liên quan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đang được tiếp tục hỗ trợ phát triển thương hiệu và hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới. Kết quả thực tế cho thấy nhiều mặt hàng của Việt Nam đặc biệt các sản phẩm dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ nhận được phản hồi tốt trên Amazon.
Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2018, thị trường thương mại điện tử đạt 4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015 và tăng lên 7,8 tỷ đô vào năm 2018. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 30% và dự kiến năm 2020 sẽ 13 tỷ đô la Mỹ. Thương mại điện tử là cơ hội lớn để xuất khẩu hàng hóa và quảng bá sản phẩm Việt Nam đến với quốc tế.
Đại diện từ Amazon Global Selling, ông Bernard Tay, Giám đốc phụ trách dịch vụ khách hàng Amazon Singapore và giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Úc và New Zealand đánh giá, Việt nam là một quốc gia tiềm năng lớn để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ lợi thế trong ngành sản xuất cũng như nguồn cung ứng dồi dào. Những ưu tiên trong chiến lược năm 2020 đó là sẽ tổ chức nhiều hơn các khóa đào tạo trực tiếp và hợp tác chặt chẽ với các đối tác thúc đẩy nhận thức về xuất khẩu trực tuyến cũng như mở rộng trên nhiều khu vực hơn. Đồng thời Amazon Global Selling sẽ cung cấp nhiều dịch vụ và công cụ hữu ích.
Một hỗ trợ khác cũng rất quan trọng đó là giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường mới dành cho người bán hàng Việt Nam ngoài Amazon.com. Xây dựng dịch vụ mạng lưới đối tác và gắn kết mạng lưới đối tác địa phương thông qua việc tăng cường hợp tác hiện tại và phát triển các sự hợp tác mới.