Biến động trên thị trường chứng khoán đã thổi bay 200 tỉ USD của Apple. Các nhà đầu tư đang lo ngại về tình hình kinh doanh của "quả táo cắn dở" tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điều này được cho chủ yếu là do tác động từ thông tin Trung Quốc yêu cầu nhân viên trong các cơ quan của chính phủ không dùng iPhone cho công việc, không mang vào văn phòng vì lý do an ninh.
Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất cho các sản phẩm của Apple. Doanh thu ở thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 tổng doanh thu của Apple năm 2022.
Dù Apple không tiết lộ cụ thể doanh số bán iPhone theo từng quốc gia, nhưng các chuyên gia phân tích tại Công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) ước tính số iPhone bán ra tại Trung Quốc cao hơn tại Mỹ ở quý 2/2023. Ngoài ra, phần lớn iPhone cũng được sản xuất tại đất nước tỉ dân.
Chuyên gia phân tích Brandon Nispel thuộc Ngân hàng KeyBanc Capital (Ohio, Mỹ) cho biết tập đoàn công nghệ đa quốc gia do Steve Jobs sáng lập đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Trung Quốc.
Do đó, Apple từ xưa đến nay luôn được mặc định là “an toàn” trước những lệnh hạn chế của Trung Quốc. Thế nhưng với tình hình hiện tại, ông Brandon đặt ra nghi vấn Chính phủ Trung Quốc đang thay đổi lập trường.
Apple còn đối mặt rắc rối là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao do trái phiếu bị bán tháo vì lo ngại Cục Dự trữ Liên bang đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát.
Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA - cho biết: “Câu chuyện tăng trưởng của Apple phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Nếu cuộc đàn áp của Bắc Kinh tăng, điều đó có thể gây ra vấn đề lớn cho hàng loạt công ty công nghệ vốn hóa lớn khác đang phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Wamsi Mohan - nhà phân tích của Bank of America Corp. - lưu ý rằng “thời điểm đưa ra lệnh cấm càng đáng chú ý” sau khi Huawei Technologies Co. ra mắt smartphone 5G.
Theo một nhà phân tích, Bắc Kinh nỗ lực nhằm phá sự ngăn chặn của Mỹ về sự phát triển của Trung Quốc về smartphone. Nếu Bắc Kinh tiến hành lệnh cấm, lệnh phong tỏa chưa từng có này cũng có thể ảnh hưởng đến một số công ty công nghệ khác của Mỹ phụ thuộc vào hoạt động bán hàng và sản xuất tại Trung Quốc.
Động thái của Huawei cho thấy Bắc Kinh dường như đang có bước tiến ban đầu trong quá trình giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm công nghệ do nước ngoài thiết kế, thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp công nghệ. Mate 60 Pro của Huawei sử dụng chip tiến trình 7nm của SMIC.
Nếu Bắc Kinh mở rộng lệnh cấm, nhiều hãng công nghệ Mỹ khác cũng có thể chịu tác động, do phụ thuộc vào việc bán hàng và sản xuất tại Trung Quốc. Cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple trên thế giới hôm qua cũng đi xuống do thông tin này.
Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng tác động của lệnh cấm iPhone tại Trung Quốc đang "bị thổi phồng", do nó chỉ ảnh hưởng đến gần 500.000 thiết bị trong số 45 triệu iPhone dự kiến bán ra tại đây trong 12 tháng tới. "Apple vẫn có thị phần khổng lồ tại thị trường smartphone Trung Quốc", Daniel Ives – nhà phân tích tại Wedbush Securities cho biết.