Vẫn biết rằng để kết luận hành vi sai phạm của một tổ chức hay cá nhân cần căn cứ vào kết quả điều tra của các cơ quan hữu quan (chuyên ngành hoặc liên ngành). Các cơ quan này muốn điều tra hoặc định tội danh một hành vi nào cũng phải căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng ở vụ việc này, khi luật pháp còn những lỗ hổng vì chưa có quy định cụ thể về việc ghi xuất xứ hàng hóa cho các sản phẩm lưu hành nội địa thì kết luận “Asanzon không vi phạm gì” là chuyện tất nhiên!
Tại cuộc họp báo sáng nay, Asanzo tuyên bố mình được minh oan với các nghi vấn, gồm giả xuất xứ hàng hoá, sai phạm về xuất nhập khẩu và lừa dối người tiêu dùng. Công ty đưa ra hai bản kết luận báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) về vụ việc.
Asanzo cho biết ngày 1/8/2019, Tổng Cục quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.
Trước đó vào ngày 15/8/2019, Asanzo cũng tổ chức một cuộc họp báo, trong đó Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo, đã bật mí trước rằng: “2 tháng nay rất nhiều đoàn kiểm tra đến Asanzo mà có kết luật được sai phạm gì đâu!”.
Không chỉ cơ quan quản lý thị trường không kết luận được Asanzo sai trong việc ghi xuất xứ hàng hoá, mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức được giao chức năng cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/0) - cũng đã thành lập Tổ công tác để xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hoá của Asanzo. Sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá, đối chiếu với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
Tất nhiên VCCI cũng là một trong những trụ cột chính đang rất khẩn trương trong việc góp ý vào dự thảo thông tư về việc ghi xuất xứ hàng hóa lưu hành nội địa.
Tại họp báo, đại diện Asanzo cũng công bố kết luận điều tra của Tổng cục Hải quan như sau: Ngày 5/9/2019, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Công văn này nêu rõ: “Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15-8-2019 gửi công ty”.
Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu.
Liên quan đến kết luận của Tổng cục Hải quan về kiểm tra, xác minh tại Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo và một số công ty có liên quan, đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Theo đó, có 14 công ty bỏ trốn. Số công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh là 4. Số lượng công ty ngừng hoạt động là 7. Số lượng công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh là 1. Hiện có 32 công ty đang hoạt động.
Ông Trần Đức Hoàng, luật sư của Asanzo cho rằng, ông cảm thấy khó hiểu về từ “chạy trốn” trong báo cáo của Tổng cục Hải quan dùng có nghĩa gì. Điều quan trọng mà chúng ta nên chú tâm là các doanh nghiệp này có vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào hay không?
Và như thông báo Tổng cục QLTT và Tổng cục Hải quan không hề có bất kỳ kết luận nào về việc các công ty vi phạm pháp luật.
Vụ việc Asanzo bắt nguồn từ phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ vào cuối tháng 6 vừa qua, cáo buộc Công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc về ghi “Made in Việt Nam”. Dẫn đến việc ngày 25/7, Công ty CP Tập đoàn Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ đòi bồi thường thiệt hại cho công ty này, đơn kiện đã được Toà án nhân dân Quận 11 (TP.HCM) xác nhận.
Có thể thấy được rằng khi pháp luật chưa hoàn hiện còn có kẽ hở và doanh nghiệp lại rất khôn khéo sử dụng "các công ty ma" và không bảo hộ cho thương hiệu Asanzo thì việc bổ sung các Thông tư để hướng dẫn cụ thể hơn là điều rất cần thiết. Ngày 25/7/2019 Bộ Công Thương mới đăng Dự thảo thông tư “Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam”. Nói về thông tư này trong một buổi họp báo tại Hà Nội hồi tháng 8, Ông Phạm Văn Tam, CEO của Asanzon cho biết Nếu các quy định mới về việc sản phẩm muốn ghi xuất xứ Việt Nam phải đạt tỷ lệ có 30% linh kiện sản xuất trong nước thì công ty sẽ phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để đạt được con số này và để có thể ghi được xuất xứ “Made in Vietnam”. Rõ ràng rằng các hàng hóa của Asanzon đa phần là linh kiện nhập khẩu về lắp ráp nhưng vẫn được ghi “Made in Vietnam” do thiếu quy định pháp luật”. Hiện nay cho dù tỷ lệ linh kiện Việt Nam chỉ 1% thì họ vẫn không sai phạm.
Nếu như vậy việc thắng kiện báo Tuổi trẻ chỉ còn là vấn đề thời gian.