Danh sách vừa được Tạp chí Forbes công bố ngày 26/5. Ban tổ chức cho biết năm nay họ nhận được số đề cử cao kỷ lục, lên tới 4.000 ứng viên. Từ đó, các phóng viên và hội đồng thẩm định đã tiến hành đánh giá để chọn ra 300 cái tên nổi bật nhất đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
10 hạng mục được vinh danh bao gồm Nghệ thuật; Giải trí & Thể thao; Tài chính & Đầu tư mạo hiểm; Truyền thông, Tiếp thị & Quảng cáo; Bán lẻ & Thương mại điện tử; Công nghệ doanh nghiệp; Công nghiệp, Sản xuất & Năng lượng; Chăm sóc sức khỏe & Khoa học; Tác động xã hội và Công nghệ tiêu dùng.
Để được chọn, các ứng viên phải thể hiện được khả năng lãnh đạo, tinh thần kinh doanh và tiềm năng thành công trong ngành. Các yếu tố khác cũng được xem xét gồm yếu tố đổi mới, quy mô, sự phát triển của dự án kinh doanh, và vai trò của ứng viên trong các quyết định cuối cùng của công ty.
Kết quả, Ấn Độ có số gương mặt được vinh danh cao nhất với 61 người; đứng thứ 2 là Singapore với 34 người; Nhật Bản - 33 người; Australia - 22 người...
Việt Nam có 5 đại diện trong danh sách này, gồm:
"Nghệ sĩ xăm hình" Trần Thị Bích Ngọc (Ngọc Like)
Theo Forbes, Trần Thị Bích Ngọc đã biến những vết sẹo chấn thương thành các tác phẩm nghệ thuật từ năm 2013, khi cô 19 tuổi. Bích Ngọc tin rằng, việc che đi những vết sẹo bằng hình xăm nghệ thuật có thể là một phần của quá trình chữa lành, giúp trao quyền cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ để họ có thể bắt đầu một chương hạnh phúc hơn trong cuộc đời. Ngọc đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vào năm nay.
Nguyễn Thế Vinh - đồng sáng lập và CEO của Coin98 Finance
Coin98 Finance là startup tiên phong và tập trung vào công nghệ blockchain. Vào tháng 1/2022, Coin98 đã nhận được một khoản đầu tư chiến lược từ Binance Labs, tuy nhiên giá trị của khoản đầu tư này đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Trong năm 2021, Coin98 hoàn thành vòng gọi vốn hạt giống trị giá 1,25 triệu USD. Trước đó, Nguyễn Thế Vinh từng là kỹ sư phần mềm tại FPT Software TP.HCM và là người đồng sáng lập, quản lý VIC Group - một startup đầu tư tiền điện tử.
Lê Yên Thanh - CEO Phenikaa MaaS
Anh là người sáng lập Dự án BusMap – một ứng dụng giao thông công cộng và dựa trên đó phát triển thành Công ty Phenikaa MaaS chuyên về các giải pháp giao thông thông minh. BusMap đã sử dụng công nghệ cốt lõi của mình để phát hành bản đồ dịch tễ Covid-19 cho 18 tỉnh, thành tại Việt Nam. Công ty được Tập đoàn Phenikaa đầu tư 1,5 triệu USD vào giữa năm 2021 và đang có kế hoạch mở ra toàn khu vực bắt đầu từ Thái Lan.
Nguyễn Văn Thanh - CEO VinBus
Theo Forbes, Nguyễn Văn Thanh gia nhập Vinbus vào năm 2019 và là một trong những lãnh đạo trẻ nhất tại VinGroup. Nguyễn Văn Thanh từng khởi nghiệp với công ty may mặc ở độ tuổi 18 trước khi bỏ học đại học để làm việc tại các công ty như: KFC Việt Nam, Cargill Việt Nam và Lazada Việt Nam.
Uyên Trần – đồng sáng lập TômTex
Uyên Trần là nhà nghiên cứu vật liệu, thiết kế thời trang và đồng sáng lập TômTex. Uyên cũng từng được vinh danh trong danh sách Forbes under 30 năm 2022 của Việt Nam.
Theo Forbes Việt Nam, với mong muốn tạo ra mô hình kinh doanh thời trang bền vững, Uyên Trần đã nghiên cứu phát triển loại vật liệu sinh học mềm dẻo – da sinh học, đặt tên TômTex. Loại vật liệu này có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên sau vài tháng hoặc hoạt động như là phân bón cho cây trồng.
TômTex từng nhận được hàng loạt giải thưởng danh giá như: lọt vào vòng chung kết của LVMH Innovation Award (giải thưởng ủng hộ các sáng kiến và ý tưởng đổi mới), quán quân tại CFDA K11 Innovation (dành cho tư duy thiết kế sáng tạo trong các hệ thống thời trang bền vững từ hiệp hội Thời trang Mỹ), Huy chương vàng tại Idea Sustainability Award (Giải thưởng cho các thiết kế được kết nối về chiến lược thiết kế, xây dựng thương hiệu, tương tác kỹ thuật số).