Có thể nói, kinh doanh đa cấp luôn là một lĩnh vực rất nóng. Gần đây, trên các diễn đàn truyền thông luôn đề cập tới những vụ việc vi phạm hoặc có nguy cơ tác động gây bất ổn xã hội đều có liên quan tới hoạt động kinh doanh đa cấp của một số tổ chức và cá nhân. Đây là 1 trọng trách lớn của ngành công thương khi cần thiết phải lập tức xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý có liên quan tới lĩnh vực nhằm bảo đảm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn; đồng thời, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải không phát sinh hay tạo ra quá nhiều chi phí cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh đa cấp, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng tính toán cẩn trọng, tránh tạo ra rào cản không cần thiết và hạn chế tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp chân chính.
Trong khuôn khổ tọa đàm trực tuyến, ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ hy vọng, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực và chủ động của mình trong thời gian tới; đồng hành cùng Bộ Công Thương trong một nỗ lực chung nhằm góp phần chung tay xây dựng một khuông khổ pháp lý thuận lợi lợi cho doanh nghiệp và phù hợp nhất với các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này.
Đại diện cơ quan soạn thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 năm gần đây, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19, nhưng riêng ngành bán hàng đa cấp lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP, ông Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) đánh giá cao Ban soạn thảo đã nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý, tham vấn ý kiến doanh nghiệp... đảm bảo tính khả thi khi ban hành và triển khai trong thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề quy định mới về bảo trợ quốc tế, yêu cầu hoa hồng cá nhân tối thiểu 20%... trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP vẫn còn một số bấp cập nên cần thận trọng hơn.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng cần điều chỉnh điều kiện mới áp dụng cho người đại diện tại địa phương; quy định về hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp; điều kiện vận hành hệ thống quản lý nhà phân phối và đề xuất áp dụng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp điện tử... để tạo những bước tiến thực sự cho hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Bà Đinh Thu Huyền, đại diện cho Herbalife Việt Nam chia sẻ, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP đưa ra quy định khoản hoa hồng dành cho việc bán lẻ của nhà phân phối có giá trị tối thiểu 20% tổng hoa hồng trả ra của doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ thực tiễn hoạt động của Herbalife Việt Nam, việc áp dụng tỷ lệ hoa hồng cá nhân 20% đối với hoa hồng dành cho hoạt động bán hàng sẽ làm cho tỷ lệ hoa hồng tiền thưởng vượt mức trần 40% quy định tại Điều 48, Nghị định 40/2018/NĐ-CP hiện hành. Do đó, Ban soạn thảo cần xây dựng cơ chế chính sách vừa đảm bảo tính khả thi, vừa hạn chế xáo trộn hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp.
Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 22 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp, doanh thu có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 16% trong giai đoạn 2015-2020, thuộc Top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới (năm 2019). Trong hai năm vừa qua, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn đảm bảo tăng trưởng.