Mở đầu buổi họp báo, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – ông Nguyễn Thanh Hưng đã tóm tắt lại mục đích tổ chức buổi diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU” nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận toàn diện và kịp thời với diễn biến mau lẹ và sâu sắc của cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi EVFTA có hiệu lực.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng cục Thống kê, kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút. Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến. Nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.
“Trong nước, nền kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực chậm lại. Trong bối cảnh đó, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ngày 30/6/2019 là một bước đi quan trọng trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mới là sẽ có thương mại điện tử và chính thương mại điện tử, công nghệ 4.0 đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại” – ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định. Hơn nữa, Hiệp định này được ký kết trong bối cảnh kinh tế – thương mại toàn cầu đang đứng trước những thách thức to lớn từ cạnh tranh chiến lược và tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương và yêu cầu cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm thích ứng hơn với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, kinh tế số và thương mại điện tử.
Đáng chú ý là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU ghi nhận thương mại điện tử làm gia tăng cơ hội thương mại trong nhiều lĩnh vực, sẽ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử giữa các bên và có các quy định cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Ông Phạm Tấn Đạt – CEO Fado cũng chia sẻ với báo chí thêm về thương mại điện tử qua góc nhìn về xuất khẩu trực tuyến. Trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất để nhanh chóng tiếp cận tới mọi thị trường, bao gồm những thị trường đang có tranh chấp thương mại. Trong dài hạn, xuất khẩu trực tuyến là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng mà không qua trung gian.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và lợi thế của xuất khẩu trực tuyến thì nhiều doanh nghiệp cũng gặp không ít trở ngại khi xuất khẩu trực tuyến. Ông Nguyễn Minh Đức – CEO IMGroup cũng chia sẻ một số những trở ngại mà doanh nghiệp gặp phải như: thị trường mỗi địa phương khác nhau, nhu cầu khác nhau dẫn đến các doanh nghiệp phải tập trung nghiên cứu sâu thị trường mà doanh nghiệp hướng đến; Rào cản về mặt ngôn ngữ cũng là khó khăn nhiều doanh nghiệp “e sợ”; xuất khẩu trực tuyến được thực hiện và cấp giấy phép như thế nào cũng như việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu ra sao để hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng.
Tất cả những thắc mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp đang mắc phải khi tiếp cận thương mại trực tuyến sẽ được các diễn giả, chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế và kinh tế, quản lý nhà nước, đàm phán kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu,… giải đáp trong buổi diễn đàn “Đối đầu thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU”. Dự kiến diễn đàn sẽ thu hút hơn 600 doanh nghiệp hoạt động ở mọi lĩnh vực tham gia.