Trang phục truyền thống – áo dài là một nét văn hóa đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Thông qua một số những bộ phim lịch sử của dân tộc ta, các nhà nghiên cứu đã phục dựng lại hình ảnh tà áo dài truyền thống xưa để giới thiệu và lấy ý kiến nhận xét của khán giả.
Chương trình được tổ chức tại tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội, số 50, Đào Duy Từ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội do Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên phối hợp cùng Công ty The OCEAN.
Tới dự buổi tọa đàm có sự tham gia của: Giám đốc công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc; Đạo diền phim Phượng Khấu Huỳnh Tuần Anh; giáo sư Sử học Lê Văn Lan, giáo sư Phan Thanh Bình (Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Nghệ thuật Huế) và Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức. Cùng với khách mời đặc biệt “Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ”- chắt nội vua Minh Mạng, vị nghệ nhân đã gắn bó với Ỷ Vân Hiên trong việc khôi phục lại chính xác trang phục cổ của người Việt.
Khách đến dự có thể ngắm trang phục cung đình thời Nguyễn do Ỷ Vân Hiên sản xuất và đặc biệt là bộ sưu tập chiếc áo Nhật Bình của Bà Chúa Nhất – Mỹ Lương Công Chúa lần đầu tiên trưng bày giới thiệu tại Việt Nam.
Khách mời đặc biệt là Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng, năm nay Mệ đã 97 tuổi. Mệ chính là một trong những người cuối cùng nắm giữ phương pháp may gối xếp năm lá từng được sử dụng trong Hoàng tộc triều Nguyễn.
Thông qua buổi tọa đàm, các chuyên gia nghiên cứu trang phục truyền thống đã giới thiệu cho người xem hiểu thêm về trang phục cổ của người Việt và phim Phượng Khấu với những nội dung như:
- Những thuận lợi và hạn chế và hiện trạng của việc phục dựng cổ phục tại Việt Nam.
- Những thành tựu và tầm nhìn của cổ phục Việt.
- Việc ứng dụng cổ phục Việt từ đời sống đến điện ảnh và sân khấu.
- Trả lời thắc mắc về công tác tổ chức sản xuất và các cứ liệu lịch sử xoay quanh bộ phim Phượng Khấu đang gây tiếng vang rất lớn trong thời gian gần đây.
Nội dung phim: Câu chuyện phim xoay quanh cuộc đời của Phạm Hiệu Nguyệt (tức Từ Dụ Hoàng thái hậu). Khi trở thành Phủ thiếp của Hoàng tử Miên Tông (Thiệu Trị). Hiệu Nguyệt có được vô vàn sự yêu thương, sủng ái, đồng thời cũng nhận lấy những ganh ghét, đố kỵ. Sau cái chết của con gái Uyên Ý, Hiệu Nguyệt dần nhận ra sự bạc bẽo, ích kỷ của những con người trong gia đình Đế vương. Sau khi trở thành một phi tần của Hoàng đế, Hiệu Nguyệt vẫn tìm cách tránh xa nhưng âm mưu đen tối, giữ cho mình bản tính thiện lương, dạy dỗ 2 người con là Tĩnh Hảo và Hồng Nhậm. Nhưng những âm mưu đen tối kia vẫn không buông lấy nàng, khiến nàng phải đứng lên, học cách tự bảo vệ mình. Đến cuối cùng, Hiệu Nguyệt vượt qua mọi sự ganh ghét trong chốn cung đình, đưa con trai Hồng Nhậm lên ngôi Hoàng đế, trở thành vua Tự Đức. Hiệu Nguyệt trở thành người phụ nữ quyền uy nhất triều Nguyễn trong hơn 60 năm.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm: