Một chuyên gia về kinh tế đã nói: “Một kế hoạch kinh doanh xuyên quốc gia hoàn hảo cần được xây dựng trên những nấc thang văn hóa. Nếu chủ doanh nghiệp không quan tâm đến yếu tố quan trọng này, rất có thể doanh nghiệp đó sẽ phải đối mặt với thất bại trên đất khách quê người”. Vì vậy, quan tâm đến yếu tố văn hóa giúp doanh nghiệp có được bước đi và chiến lược đúng đắn. Bởi mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng, khác biệt. Sự thích ứng với văn hóa của các nước sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tránh được những sai lầm không đáng có, đồng thời chiếm được cảm tình của các đối tác một cách dễ dàng, tự nhiên.
1. Văn hóa ở Mỹ
Người Mỹ luôn bận rộn với công việc. Họ có xu hướng tích lũy của cải vật chất, mua sắm nhiều thiết bị, đồ dùng hiện đại nhưng lại không có thời gian để tận hưởng những gì làm ra. Họ tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, ngưỡng mộ những người vượt qua nghèo khó để trở nên giàu có và thành đạt. Với người Mỹ, sự chiến thắng và trở thành vị trí số một rất được coi trọng. Họ là những người đầy tham vọng, những mong muốn của người Mỹ đôi khi còn quá cả mục tiêu ban đầu. Trong công việc, người Mỹ tin tưởng mãnh liệt vào việc có thể thay đổi tương lai bằng chính nỗ lực hàng ngày của cá nhân. Họ rất năng động và sẵn sàng ứng biến kịp thời khi công việc cần sự thay đổi. Họ tin tưởng sự thay đổi sẽ dẫn đến thành công và nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được kết quả mong muốn.
Trong việc theo đuổi mục tiêu người Mỹ tỏ ra nghiêm túc và cố gắng hoàn thành mọi việc nhanh chóng. Họ có ý thức về việc sử dụng thời gian hiệu quả. Các cuộc gặp làm việc với người Mỹ thường ngắn (khoảng 30 - 45 phút và hiếm khi quá 1 tiếng) tập trung và đi thẳng vào vấn đề. Đối với một số nền văn hóa vừa gặp nhau đã bàn đến chuyện làm ăn có thể bị coi là mất lịch sự, trong khi đó người Mỹ lại thích nói chuyện làm ăn trước, sau đó mới nói đến chuyện cá nhân và các chuyện khác. Vì vậy, khi làm việc với người Mỹ, các nhà đầu tư nước ngoài nên chuẩn bị kỹ nội dung và đi thẳng vào chủ đề chính sau những câu chào hỏi xã giao ngắn gọn. Yêu cầu này càng quan trọng nếu buổi làm việc được tiến hành thông qua phiên dịch vì khi đó thời gian làm việc chỉ còn tối đa một nửa. Trong các cuộc họp hoặc gặp gỡ làm việc, người Mỹ có thể cắt ngang lời nhau để hỏi hoặc nêu ý kiến của mình. Thói quen này có thể bị coi là bất lịch sự trong một số nền văn hóa Châu Á. Do vậy, các nhà kinh doanh nước ngoài không nên ngạc nhiên khi bị người Mỹ cắt lời để hỏi hoặc nêu ý kiến của họ.
Người Mỹ mong muốn các cuộc họp diễn ra đúng giờ. Sự chậm trễ được hiểu là thiếu quan tâm, coi thường đối tác hoặc kém cỏi trong sắp xếp thời gian. Ở các thành phố lớn thường xảy ra tắc nghẽn giao thông thì có thể cho phép sớm muộn đôi chút song không nhiều. Nếu không may bị muộn 10 - 15 phút thì nên gọi điện thoại báo trước và xin lỗi, nếu có thể cho biết lý do. Nhiều thành phố ở Hoa Kỳ rất rộng, việc di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác có khi mất hàng giờ. Do vậy, khi sắp xếp các cuộc gặp cần phải tính trước thời gian đi lại và trừ hao thời gian tắc nghẽn giao thông. Ngược lại, đến sớm có thể làm bên chủ bối rối do chưa sẵn sàng tiếp đón hoặc được hiểu là quá sốt ruột không có việc gì tốt hơn để làm. Nói chung, nên đến vào đúng thời gian ghi trên giấy mời.
Quà tặng và việc ủng hộ cá nhân ngầm khó vận dụng ở Mỹ - nơi có những nguyên tắc nghiêm ngặt về trao đổi trong một tổ chức. Bởi lẽ, người Mỹ cảm thấy rằng quà tặng và ủng hộ cá nhân ngầm sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng của mỗi quyết định. Điều này sẽ tạo ra sự bất công, sự khuất tất và đôi khi là những sai lầm.
2. Văn hóa ở Mexico
Mexico cùng với gần 30 nước khác từng là thuộc địa của Tây Ban Nha, dùng tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính (Trong tổng số khoảng 500 triệu người sử dụng trên thế giới). Nếu bạn thông thạo ngôn ngữ này sẽ là lợi thế lớn trong quan hệ giao dịch với người Mexico. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tiếng Anh.
Khác với Mỹ, Canada và nhiều nước Châu Âu chủ yếu hành động theo “lý”, luật, lợi ích, người Mexico dễ bị tác động bởi tình cảm và quan hệ thân hữu. Họ chỉ tin tưởng những mối quan hệ anh em trong gia đình, họ hàng, những người bạn thân. Việc xây dựng mối quan hệ mới phải thông qua sự giới thiệu từ những người đã quen biết trước. Điều này dẫn đến một kết quả là phải có mối quan hệ thân quen mới có thể làm kinh doanh tốt ở Mexico. Người Mexico được dạy rằng “Đừng làm kinh doanh với bất kỳ ai trừ những người bạn” hoặc “ Hành động mà không hiểu biết thì chẳng mong đợi gì, tham thì thâm”. Do vậy họ có khuynh hướng thận trọng và dành nhiều thời gian để thảo luận kỹ các vấn đề kinh doanh trước khi thực hiện. Điều này là nguyên nhân khiến công việc bị chậm trễ.
Việc ưu tiên cho các mối quan hệ thân quen tạo nên một hệ thống giá trị gọi là “Compadre”. Tuân thủ hệ thống này, những người Mexico lựa chọn mối quan hệ họ hàng, các mối quan hệ bạn bè cho việc thuê mướn, kí kết hợp đồng, tìm việc và chia sẻ những cơ hội kinh doanh. Hệ thống “Compadre” bị các đối tác nước ngoài phàn nàn cho đó là nguyên nhân gây ra tính kém hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Ngược lại, người Mexico nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài những người “lạnh lùng” và coi thường dân Mexico. Lúc đó họ sẽ có cách cư xử xa lạ đối với những người nước ngoài, gọi là cách nhìn “gringo” - phân biệt người bản địa với người nước ngoài.
Người Mexico coi gia đình là quan trọng nhất đối với họ. Vì thế trong đàm phán, việc thăm hỏi ân cần đến gia đình của đối tác là một cách tốt để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp. Những người Mexico đánh giá sự tin cậy của người khác thông qua lòng trung thành và sự ân cần họ dâng hiến cho gia đình.
Trong công việc, người Mexico cũng như nhiều nước La tinh khác rất sôi nổi, nhiệt tình nhưng họ không thích bị giới hạn về thời gian. Họ cảm thấy không thoải mái khi phải hoàn thành công việc đúng thời hạn. Họ hay “hứa bốc” nhưng mức độ cam kết thực hiện chưa thật cao nên khi bạn đã đạt được thỏa thuận gì đó thì phải “chốt” lại bằng văn bản và giám sát chặt chẽ việc hành động. Người nước ngoài gọi đó là hội chứng “manana”. Hội chứng này dùng để chỉ sự coi trọng việc giao tiếp cá nhân hơn công việc. Khi có người quen đến chơi, hầu hết những người Mexico đều dừng công việc đang làm để ra nói chuyện. Họ không quan tâm thời gian trong bao lâu thậm chí ngay cả những câu chuyện phiếm làm công việc của họ bị chậm trễ.
Ngày nay, dưới ảnh hưởng của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng với việc phát triển các hoạt động kinh doanh quốc tế của Mexico, văn hóa lao động của người dân nước này đã có sự thay đổi lớn. Những thói quen làm việc cũ có bằng chứng giảm ở miền Bắc Mexico, nơi có nhiều hãng kinh doanh đa quốc gia hoạt động.
3. Văn hóa ở Trung Quốc
Trung Quốc có nền văn hóa bị ảnh bởi tư tưởng Nho giáo (551-478 tr-CN). Văn hóa Nho giáo không có thiện cảm với những hành động, cư xử không lịch sự, không có quy tắc. Những hành động đó được cho là đáng xấu hổ và gây mất thể diện. Quan niệm về “thể diện” ở Trung Quốc hết sức được coi trọng. Họ nói rằng: “Lớp vỏ không chỉ là vẻ bề ngoài của cái cây, nó quyết định sự sinh tồn của cái cây, cái cây sẽ chết nếu không có lớp vỏ”. Do đó người Trung Quốc hiểu để mất “thể diện” không chỉ mang đến sự xấu hổ cho một cá nhân mà còn cho cả gia đình cá nhân đó. Điều này sẽ cản trở công việc của gia đình đối với xã hội. Tính sỹ diện cao trong tiềm thức đôi khi khiến người Trung Quốc kinh doanh không vì lợi nhuận mà vì danh dự, vì gia đình để giành được sự tôn trọng của mọi người xung quanh. Nhiều khi kinh doanh thua lỗ, họ vẫn làm chứ không chịu mất mặt bằng việc phá sản hay đóng cửa.
Trong chiến lược kinh doanh của mình, người Trung Quốc rất trọng Binh pháp Tôn Tử. Họ học và áp dụng rất chi tiết, cụ thể các chiến thuật vào kinh doanh. Họ có lối làm ăn “xổi” thậm chí dùng nhiều “tiểu xảo” để giành chiến thắng. Ở Trung Quốc, việc tạo các mối quan hệ kinh doanh rất quan trọng. Việc bạn quen biết những ai quan trọng hơn bạn biết những gì. Người Trung Quốc gọi đó là“Guanxi”. Các hoạt động để có được “Guanxi” thường là: Biếu quà, giải trí ở những bữa tiệc hậu hĩnh, hay tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi trên du thuyền vượt đại dương... Người Trung Quốc coi đó là điều cốt lõi dẫn đến thành công trong kinh doanh. Có thể đạt được “Guanxi” theo cách khác là thuê trung gian là người địa phương. Bên trung gian sẽ sử dụng những mối quan hệ của họ để liên kết với giới quan chức hay những doanh nghiệp Trung Quốc. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lên tiếng phê bình “Guanxi”, họ coi đó là chủ nghĩa lợi dụng chức quyền để dành ưu tiên cho người thân. Việc ra quyết định quyết định và việc kí kết hợp đồng đều dựa vào các mối liên hệ thân thuộc. Năng lực làm việc không được coi trọng.
Xã hội Trung Quốc là một xã hội chặt chẽ, mọi người thường quây quần trong làng xã, tập thể của mình. Cho nên, khi một người làm một mặt hàng mới, ngay sau đó, như một phản ứng dây chuyền, hàng trăm người khác sẽ bắt chước, phá sự độc quyền của người đi đầu. Đây là một lý giải khá đơn giản cho tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra tràn lan ở Trung Quốc.
4. Văn hóa ở Pháp
Khi được người Pháp mời dự tiệc, bạn tuyệt đối không được từ chối. Nếu không có thời gian thì bạn có thể thỏa thuận ăn nhẹ với họ sau đó. Ở Pháp, bữa ăn vẫn là nơi và dịp đàm phán, thương thảo hợp đồng thuận tiện và được ưa chuộng. Trong cuộc nói chuyện, bạn nên tránh các chủ đề chính trị nhạy cảm. Người Pháp rất thích nói và nói nhiều nên bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt nếu tỏ ra chăm chú lắng nghe. Tuyệt đối không được sử dụng ngôn từ hay tỏ điều gì để người Pháp có thể hiểu nhầm là lên mặt dạy họ.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy làm việc với người Pháp là khó nhất ở Châu Âu vì khó đoán được kết quả. Sự chuẩn bị kỹ của bạn cũng ít tác dụng khi mọi khả năng đều có thể xảy ra. Nhiều kết quả chỉ đạt được vào phút cuối hay trong lúc nói chuyện riêng vào thời gian nghỉ giải lao.
Các tổ chức của người Pháp có tính tập trung cao và cấu trúc cứng nhắc. Họ mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định hay giải quyết một việc nào đó. Người Pháp ít khi thay đổi về vị trí công việc hay địa vị xã hội. Một cá nhân được cho là thành công cao khi họ tiến thêm được một hoặc hai bậc về vị trí trong suốt cuộc đời. Những người Pháp có địa vị thường trang bị cho bản thân bằng cấp cao về giáo dục, kiến thức về văn học và nghệ thuật, kiến trúc, trang trí nhà cửa rất có thẩm mỹ và tạo nên một phong cách riêng. Môi trường giáo dục ở Pháp rất quan trọng và không bị ảnh hưởng nhiều bởi đời sống xã hội bên ngoài.
Người Pháp không ngại khi có mâu thuẫn hay bất đồng ý kiến trong đàm phán với các đối tác nước ngoài. Họ chấp nhận một vài điểm nào đó không thể hòa giải và cho rằng điều đó hoàn toàn hợp quy luật tự nhiên.
Những người Pháp thường bị buộc tội là thiếu trách nhiệm trong công việc. Như việc họ tỏ thái độ khó chịu khi phải làm thêm giờ. Tính trung bình hàng năm, người Pháp có kỳ nghỉ dài ngày nhất (4-5 tuần mỗi năm). Người Pháp tôn trọng sự chăm chỉ trong lao động và thích được đánh giá là làm việc năng suất. Nhưng họ đề cao chất lượng của cuộc sống mới thực sự là vấn đề cần quan tâm hơn. Nhiều người không sẵn sàng hy sinh thời gian tận hưởng cuộc sống của mình cho công việc.
5. Văn hóa ở Ả Rập Xê Út
Khi làm việc ở Ả Rập Xê Út, bạn sẽ thấy đây là đất nước của nhiều phong tục, lễ nghi. Người Ả Rập Xê Út theo đạo Hồi không ăn thịt lợn, không dùng rượu, bia. Công dân nước này cũng như người nước ngoài phải tuân theo những luật lệ và tập quán của đạo Hồi.
Các dự án, kinh doanh khi thực hiện ở quốc gia này thường mất nhiều thời gian. Người Ả Rập Xê Út không vội vàng khi làm việc. Họ có một câu thành ngữ: “Bukara insha Allar” nghĩa là: “Ngày mai nếu thánh Allah muốn”. Điều này nghìa là người Ả Rập chỉ tin thánh Allah mới đủ quyền năng điều khiển thời gian. Do vậy, khi không hoàn thành công việc đúng hẹn, họ không phải chịu trách nhiệm gì. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng nên quen với việc bị các yếu tố “ưu tiên hơn” xen vào trong khi thực hiện công việc.
Một tín ngưỡng văn hóa được cả cộng đồng người Ả Rập tin tưởng là số phận của con người phụ thuộc vào đấng tối cao chứ không phải hành vi cư xử của cá nhân thường ngày. Nguồn sức mạnh cao siêu ấy sẽ định đoạt kết quả những việc quan trọng, còn hành động cá nhân chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể. Nên người Ả Rập cho rằng sự phát triển hoặc không phát triển của một dự án kinh tế là do “số mệnh” chứ không phải vì họ thiếu nỗ lực. Họ ít tin vào lịch trình cụ thể hay các kế hoạch đã được xây dựng chi tiết.
Trong giao tiếp, người Ả Rập thường bộc lộ cảm xúc tự nhiên. Vì vậy khi tham gia vào đàm phán, bạn không chỉ biết thảo luận về công việc mà còn cần bộc lộ cảm xúc sao cho người Ả Rập cảm thấy nội dung bạn đang trình bày là những điều đúng đắn và cần làm. Vì vậy, bạn hãy nói với thái độ thật chân thành.
Những người Xê Út tổ chức các nghi lễ hết sức cầu kỳ để chào đón những người khách. Lúc đầu, cuộc gặp gỡ diễn ra theo kiểu các bên làm quen với nhau. Những thảo luận liên quan đến kinh tế chỉ được thực hiện khi có thêm bên thứ ba hoặc bên thứ tư. Hiếm khi họ tổ chức các cuộc đối thoại song phương. Khi các bên chưa đạt được thỏa thuận gì trong cuộc gặp lần này thì cuộc thảo luận sẽ kết thúc bằng việc uống trà hoặc cà phê. Đó là dấu hiệu cuộc họp đã quá thời gian và sẽ hẹn vào một cuộc gặp gỡ trong thời gian tới. Cuộc họp có thể liên tục bị ngắt quãng trong suốt thời gian diễn ra do những những người khách khác nhau đến và đi.
Những người Xê Út có sự phân biệt về tầng lớp, địa vị xã hội. Trong cuộc họp, ý kiến của người có vai vế, nhiều tuổi luôn được những người khác tôn trọng. Một điều quan trọng khác là không được phê bình người khác trước đám đông. Điếu đó sẽ làm cho các cá nhân bị mất mặt. Sự giống nhau là điều nên làm cho những người đưa ra lời nhận xét và luôn đề cao tình cảm kính trọng ở mọi lúc.