Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump vừa viết: "Tôi vừa có một cuộc điện đàm rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Tô Lâm nói với tôi rằng Việt Nam muốn giảm thuế quan xuống mức zero nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước chúng ta cảm ơn ông, và nói rằng tôi mong đợi một cuộc gặp trong thời gian tới."
Trong khi đó, trên các báo và truyền thông Mỹ sáng Thứ sáu 4/4/2025 tràn ngập tin về thị trường Mỹ và toàn cầu tiếp tục chao đảo vì thương chiến Mỹ - Trung leo thang.
Sáng ngày 4/4/2025 (giờ Hoa Kỳ) Trung Quốc công bố loạt biện pháp đáp trả cứng rắn đối với chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm áp thuế 34% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 10/4 và đưa 11 công ty Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”. Bắc Kinh cũng ngừng nhập khẩu từ các doanh nghiệp nông nghiệp lớn của Mỹ, mở điều tra thương mại với thiết bị y tế và siết xuất khẩu đất hiếm — đòn phản công toàn diện chỉ sau 36 giờ kể từ khi Washington ban hành thuế quan mới.
Nội dung chia sẻ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trên mạng xã hội Truth Social sau cuộc điện đàm với Tổng bí thư Tô Lâm.
Cú sốc này tiếp tục đẩy chứng khoán toàn cầu vào tình trạng lao dốc. Trong phiên sáng thứ Sáu, 4/4/2025, Dow Jones mất 925 điểm (-2,25%), S&P 500 giảm 2,4% và Nasdaq sụt 3%. Trước đó, phiên thứ Năm ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất kể từ đại dịch 2020: Nasdaq mất 6%, S&P 500 giảm 4,8%, Dow gần 4%. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà giảm: Meta -4%, Amazon -4%, Nvidia -4%, Tesla gần -5%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 3,5%, Topix -4,45%; Hàn Quốc mất 1,7%; Ấn Độ mất hơn 1%. Thị trường Úc tiếp tục chuỗi giảm, đưa chỉ số S&P/ASX xuống mức thấp nhất 8 tháng. Các thị trường châu Âu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng: FTSE (Anh) -1%, DAX (Đức) -0,75%, CAC (Pháp) -0,9%, IBEX (Tây Ban Nha) -1,4%.
Tổng thống Trump không có dấu hiệu xuống thang. Trên mạng xã hội Truth Social, ông tuyên bố “chính sách sẽ không thay đổi”, gọi phản ứng của Trung Quốc là “hoảng loạn”. Trung Quốc, ngược lại, khẳng định sẽ không nhượng bộ và cho rằng chính sách thuế của Mỹ “đơn phương và bắt nạt”. Các cố vấn của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạm dừng kế hoạch hội đàm cấp cao, cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng về đối thoại thực chất từ Washington.
Tại Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là phản ứng chính thức từ Campuchia. Thủ tướng Hun Manet gửi thư cho Tổng thống Trump yêu cầu hoãn áp thuế 49% với hàng hóa Campuchia từ ngày 9/4 và đề nghị đàm phán song phương. Campuchia cam kết hạ ngay thuế từ 35% xuống 5% cho 19 mặt hàng nhập từ Mỹ như cử chỉ thiện chí. Văn bản được ông Hun Manet công bố công khai trên mạng xã hội, thể hiện cách tiếp cận chủ động và rõ ràng.
Căng thẳng leo thang đẩy kinh tế toàn cầu vào vùng bất định. Giới chuyên gia cảnh báo nếu chính quyền Trump tiếp tục mở rộng thuế quan và các nước lớn đáp trả tương ứng, chuỗi cung ứng sẽ gián đoạn sâu rộng, tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại, và nguy cơ suy thoái lan rộng sẽ hiện hữu hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đầy biến động của thị trường toàn cầu, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ lúc này là cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam tránh được việc Mỹ áp thuế cao, ảnh hưởng đến thương mại và kinh tế của đất nước. Mặt khác, chia sẻ của Tổng thống Donald Trump chứng tỏ ông coi trọng cuộc đàm phán với Việt Nam sắp tới, trong khi có nhiều quốc gia cũng đã có thư, điện đàm trực tiếp với ông Trump, những lại không được ông chia sẻ tích cực như vậy.
Cuộc điện đàm của Tổng bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump đã làm dịu tình hình căng thẳng thương mại và tạo cơ hội cho công đồng doanh nghiệp Việt Nam bình tính, chủ động trong ứng phó với những biến động thị trường, thuế quan trước mắt. Nhiều cuộc làm việc liên tục giữa Thủ tướng, các bộ ngành với cộng đồng doanh nghiệp Việt đã và đang diễn ra, cho thấy sự vào cuộc hết sức tích cực, khẩn trương và có trách nhiệm của những người đứng đầu đất nước.