Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5. Đây là biến thể phụ của dòng Omicron.
“Việc biến thể mới xâm nhập là điều tất yếu khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, nhu cầu giao lưu, đi lại nhiều… Khi chủng mới xâm nhập có thể có nguy cơ lấn lướt chủng cũ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát, đề xuất điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp”, ông Phan Trọng Lân nói.
Cũng theo ông Phan Trọng Lân, trên thế giới, số ca mắc Covid-19 hiện chưa ổn định, có lúc tăng, có lúc lại giảm. Con số thống kê ca mắc mới còn liên quan đến chiến lược xét nghiệm của từng quốc gia và không đồng đều tại các khu vực. Đơn cử như tại châu Phi, Tây Thái Bình Dương đang có sự gia tăng số ca mắc và tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch có thể diễn biến phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện chiếm chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Thông tin thêm tại cuộc họp về sự gia tăng của biến thể phụ BA.4 và BA.5, đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết, tại một số quốc gia, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, hồi sức cấp cứu gia tăng nhiều hơn. Mới đây, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng. Biến chủng này có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho nền y tế.
Hồi tháng 3/2022, WHO đã bổ sung biến chủng BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát, trong khi ECDC liệt hai dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”.
Chính vì vậy, theo Bộ Y tế, nền tảng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là vaccine. Các bằng chứng khoa học cho đến nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.