Cùng một lúc, Apple trở thành mục tiêu của hai cuộc điều tra từ châu Âu. Cuộc điều tra đầu tiên muốn tìm hiểu chính sách App Store có vi phạm luật cạnh tranh EU không sau khi Spotify và Rakuten khiếu kiện vì khoản phí 30% phải nộp cho Apple thông qua kho ứng dụng.
Người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Ủy ban Châu Âu, bà Margrethe Vestager cho biết: “Chúng tôi quyết định sẽ xem xét kỹ lưỡng các điều khoản của App Store, để xem chúng có vi phạm quy tắc cạnh tranh của EU hay không”.
Spotify cho rằng Apple đã sử dụng App Store để kìm hãm sự phát triển của các ứng dụng và dịch vụ cạnh tranh với mình, nhằm giúp cho Apple Music có thể phát triển. Rakuten cũng có cáo buộc tương tự về việc Apple lấy 30% hoa hồng từ việc mua sách trực tuyến, trong khi đó vẫn quảng bá dịch vụ Apple Books của riêng mình.
"Dường như Apple giữ một vai trò gác cổng trong việc phân phối ứng dụng và nội dung cho người sử dụng các thiết bị của Apple,” bà Margrethe Vestager nói. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng các quy định của Apple không bóp méo cạnh tranh trên các thị trường nơi Apple đang cạnh tranh với các nhà phát triển ứng dụng khác, ví dụ với dịch vụ âm nhạc trực tuyến Apple Music hoặc Apple Books của họ."
Cuộc điều tra thứ hai nhằm vào dịch vụ thanh toán Apple Pay để xem nó có vi phạm luật cạnh tranh EU hay không. Apple hạn chế truy cập chức năng giao tiếp trường gần (NFC) trên iPhone và Apple Watch, đồng nghĩa với các ngân hàng và tổ chức tài chính khác không thể cung cấp thanh toán NFC trên ứng dụng riêng. Bất kỳ công ty nào muốn sử dụng công nghệ này trên một iPhone, dù là ngân hàng hay hệ thống tàu điện ngầm London, đêu cần phải thông qua Apple Pay có trả phí.
Apple kiên quyết bác bỏ các vụ kiện trên đồng thời chỉ trích các đối thủ của mình.
Trong tuyên bố, người phát ngôn Apple bày tỏ thất vọng vì EC sử dụng khiếu kiện vô căn cứ từ một số công ty muốn hưởng lợi miễn phí và không muốn chơi theo luật giống mọi người. Ngược lại, Spotify mô tả cuộc điều tra như “ngày tốt lành” với người dùng, bản thân công ty cũng như giới lập trình viên.