Thị trường điện thoại thông minh Việt Nam trong quý I đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Counterpoint Research, đánh dấu mức sụt giảm lớn nhất từ trước tới nay. Điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn và nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng đã hạn chế thị trường điện thoại thông minh của Việt Nam khi mọi người trì hoãn việc mua điện thoại thông minh trong thời gian này.
Báo cáo cho biết, trong bối cảnh điều kiện kinh doanh thách thức, các nhà bán lẻ buộc phải lùi kế hoạch mở rộng và đánh giá lại chiến lược kinh doanh với lý do điều kiện kinh doanh không tốt. Các cửa hàng bán lẻ giảm giờ làm cũng như giảm lương. Ngoài ra, lượng khách đến cửa hàng cũng khá thấp sau dịp Tết Nguyên đán.
Lúc đầu, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) dự báo sai nhu cầu, dẫn tới tình trạng hàng tồn kho rất cao. Sau đó, khi nhận ra nhu cầu thực tế khá yếu, họ lại đổ xô bán giảm giá để xả hàng tồn kho. Tất cả các hãng điện thoại đều giảm về doanh số trong quý 1/2023, ngoại trừ Apple.
Sự suy giảm ở thị trường Việt Nam nằm trong xu hướng chung của toàn khu vực Đông Nam Á, quý đầu năm 2023 lượng máy bán ra trong khu vực đạt 20,9 triệu máy, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là quý giảm thứ 5 liên tiếp của thị trường này. Khó khăn chính vẫn là tình hình kinh tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực, khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Xét về thương hiệu, Samsung tiếp tục là cái tên có doanh số tốt nhất tại Đông Nam Á, với 27%, tương đương 5,6 triệu máy bán ra trong 3 tháng đầu năm. OPPO đứng ở vị trí thứ hai với 19%, tương đương 4 triệu máy. Trong cùng kỳ, Xiaomi và Vivo lần lượt đứng thứ ba (14% thị phần) và thứ tư (13% thị phần), với doanh số khá tương đồng, khoảng 2,5 triệu máy; còn Realme đạt 2,2 triệu máy bán ra (11% thị phần).
Điều đáng nói là toàn bộ thương hiệu trên đều chứng kiến doanh số giảm mạnh. Trong đó, lao dốc sâu nhất là Xiaomi với doanh số quý đầu năm nay giảm tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đó là Vivo (giảm 30%), Samsung (giảm 20%)…
Tại thị trường Việt Nam, Samsung tiếp tục là thương hiệu dẫn đầu trong quý I khi chiếm 30% thị phần, mặc dù doanh số bán hàng giảm 32% so với cùng kỳ. Galaxy A04 là model hàng đầu trong phân khúc smartphone có giá dưới 200 USD và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong phân khúc giá 200 – 400 USD, Samsung đã giành được 7 trong số 10 vị trí dẫn đầu thị trường trong quý I, dẫn đầu là Galaxy A14 5G. Đây là hai phân khúc smartphone thống trị thị trường Việt Nam trong thời gian vừa qua với tổng tỷ lệ giao hàng là 71%.
Sự thống trị của các dải sản phẩm có giá từ thấp tới trung bình và sở thích của khách hàng đối với các thương hiệu toàn cầu hơn là các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã giúp Samsung duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường.
Đối với OPPO, dòng A17 đã trở nên phổ biến kể từ khi ra mắt vào quý IV/2022. Cả OPPO A17 và A17k chiếm 24% tổng số lô hàng OPPO xuất xưởng trong ba tháng đầu năm. Với tỷ lệ sản phẩm trong mức giá trên 600 USD được bán ra ngày càng tăng, OPPO đã ra mắt Find N2 Flip ở Việt Nam. Model này được giảm giá tới 200 USD khi đặt trước để chống lại sự cạnh tranh về giá ngày càng tăng trong phân khúc giá trên 600 USD.
Apple đã leo lên vị trí thứ ba trong quý I/2023. Nhu cầu của người dùng tại Việt Nam với iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max là tương đối cao vào đầu quý, song đã dần hạ nhiệt. Apple bất ngờ giảm giá iPhone trong ba tháng đầu năm để thúc đẩy nhu cầu và giải phóng lượng hàng tồn kho cao trên các kênh bán hàng. Giá của iPhone 14 Pro Max đã giảm trung bình 12% trong quý I so với thời điểm mới ra mắt.
Do giá iPhone giảm, doanh số bán hàng của Apple đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái trong ba tháng đầu năm. Điều này giúp dải sản phẩm smartphone có giá trên 600 USD chiếm 24% thị phần trong quý I, tăng so với chỉ 17% cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ bán smartphone thông qua các kênh trực tuyến tại Việt Nam đã giảm từ 17% trong quý IV/2022 xuống còn 15% trong quý I/2023 do các hoạt động quảng cáo trên các kênh trực tuyến giảm sau kỳ nghỉ lễ. Với việc các chuỗi bán lẻ ngoại tuyến cũng giảm giá và giảm giá trên các thiết bị cao cấp, các nền tảng thương mại điện tử đã phải vật lộn để thu hút khách hàng.
Nhà phân tích cấp cao Glen Cardoza cho biết: “Tình hình khó khăn trên thị trường điện thoại thông minh Việt Nam khó có thể được giải quyết trong quý II. Thị trường điện thoại thông minh sẽ mất một thời gian để phục hồi trước những khó khăn mà nền kinh tế đang phải gánh chịu.
Việt Nam, một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, cũng sẽ mong muốn nền kinh tế toàn cầu ổn định. Khi tình hình bắt đầu cải thiện vào cuối năm 2023, thị trường có thể được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, đặc biệt là ở phân khúc giá thấp hơn”.