Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng nước này “rất không hài lòng” với cuộc điều tra chống trợ cấp vì nó thiếu bằng chứng đầy đủ và không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Cuộc điều tra của EU là hoàn toàn vô lý và không công bằng. Công nghiệp xe điện của Trung Quốc phát triển nhanh chóng là nhờ những nỗ lực không ngừng của các nhà sản xuất ô tô trong việc liên tục đổi mới công nghệ” - Bộ Thương mại Trung Quốc lưu ý.
Bộ này còn nhấn mạnh sẽ chú ý quá trình điều tra của EU và sẽ kiên quyết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công ty xe điện Trung Quốc.
Phía Trung Quốc đã không được cung cấp tài liệu tham vấn đầy đủ và sẽ đặc biệt chú ý đến các thủ tục điều tra của Ủy ban để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty mình.
Trung Quốc cũng kêu gọi EU bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, đồng thời “thận trọng” áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Việc chính thức khởi động cuộc điều tra của EU đi kèm với một thông báo trên trang thông tin chính thức của khối, trong đó cho hay Trung Quốc đã được mời tham vấn, mặc dù không đưa ra khung thời gian.
Thông tin do EC thu thập có xu hướng cho thấy các nhà sản xuất ở Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp gây bất lợi cho ngành công nghiệp EU.
Theo Ủy ban châu Âu, ông chủ một số hãng ô tô phương Tây cho rằng ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của nhà nước mang lại lợi thế không công bằng. Qua đó, các ô tô điện thương hiệu Trung Quốc đã có giá rẻ lại càng rẻ hơn, thậm chí mức giá cực kỳ thấp.
Ủy ban châu Âu đang tiến hành một cuộc điều tra để xem liệu có nên áp dụng thuế quan hay không để bảo vệ các nhà sản xuất châu Âu khỏi “cơn lũ” ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc và có tới 13 tháng để đưa ra phán quyết.
Ông Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói với các nhà làm luật EU rằng: “Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện Trung quốc rẻ hơn. Giá của chúng được giữ ở mức thấp một cách giả tạo nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của các nhà nước này”.
Các công ty châu Âu đang phải cạnh tranh để sản xuất ô tô điện với chi phí thấp hơn và xóa bỏ vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong việc phát triển các mẫu xe giá rẻ, thân thiện với người tiêu dùng hơn. Các giám đốc điều hành của các hãng xe châu Âu cho biết điều này tại triển lãm IAA ở thành phố Munich (Đức) hồi đầu tháng 9.
Luca de Meo, Giám đốc điều hành công ty Renault (Pháp), nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi phải thu hẹp khoảng cách về chi phí với một số hãng ô tô Trung Quốc đã phát triển ô tô điện từ thế hệ trước”.
Theo Luca de Meo, như một phần trong nỗ lực của Renault để đạt được sự cân bằng về giá với các công ty Trung Quốc, chiếc R5 EV sắp ra mắt vào năm 2024 sẽ rẻ hơn 25% đến 30% so với các mẫu Scenic và Megane hiện có của hãng.
Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như BYD, Nio và Xpeng đều đang nhắm đến thị trường châu Âu, nơi doanh số bán hàng tăng gần 55% lên khoảng 820.000 xe trong 7 tháng đầu năm 2023, chiếm khoảng 13% tổng doanh số ô tô tại đây.
Xpeng có kế hoạch mở rộng hơn sang thị trường châu Âu vào năm 2024. Zhejiang Leapmotor Technology đã công bố 5 mẫu ô tô điện dành cho thị trường nước ngoài, gồm cả châu Âu trong hai năm tới.
Theo công ty tư vấn ô tô Inovev, 8% ô tô điện mới bán ở châu Âu trong năm nay do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất, tăng từ 6% năm ngoái và 4% vào năm 2021.
Khoảng 41% nhà triển lãm tại IAA năm nay có trụ sở tại châu Á, với số lượng công ty Trung Quốc tham dự gấp đôi, gồm cả BYD, Xpeng và CATL (nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới).
Sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc tại châu Âu đã làm dấy lên mối lo ngại rằng họ có thể thống trị doanh số ô tô điện.
Ông Arnoud Willems, chuyên gia tại Công ty luật Baker McKenzie, cho biết Bắc Kinh có lý do để bực tức. “Quy trình này thực sự rất ngắn, đặc biệt trong bối cảnh đang diễn ra kỳ nghỉ lễ (quốc khánh) ở Trung Quốc”, ông nói.
Theo đó, EU yêu cầu Trung Quốc trả lời tất cả bảng câu hỏi trong vòng một tuần, bao gồm cả các nhà xuất khẩu xe điện có trụ sở tại Trung Quốc và các công ty châu Âu. Chính phủ Trung Quốc cũng có vai trò trong quá trình này và sẽ được yêu cầu giải thích bản chất của các khoản trợ cấp. Thông báo của EU khuyến nghị tất cả các bên muốn có một buổi điều trần nên yêu cầu trong vòng 15 ngày và đặt ra thời hạn 37 ngày để nhận ý kiến.