Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, quốc gia này sở hữu hơn 4,2 triệu trạm gốc 5G, chiếm trên 60% tổng số toàn cầu. Với mật độ 29 trạm gốc trên mỗi 10.000 dân, mạng lưới 5G đã phủ sóng hầu hết các trung tâm hành chính, văn hóa, và du lịch, thậm chí đang dần mở rộng đến vùng nông thôn và các khu vực xa xôi.
Điều này minh chứng cho chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông mạnh mẽ, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi kinh tế chất lượng cao. Không chỉ dừng lại ở kết nối, Trung Quốc còn tiên phong tích hợp 5G với trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng mới và các ứng dụng robot, mở ra các ngành kinh tế mũi nhọn tương lai.
Chỉ riêng trong năm 2023, mạng 5G đã tạo ra 8 triệu việc làm và trong vòng 5 năm kể từ khi thương mại hóa vào năm 2019, công nghệ này đã trực tiếp và gián tiếp đóng góp 19.600 tỷ Nhân dân tệ (2.722 tỷ USD) vào nền kinh tế.
Tại Thượng Hải - trung tâm kinh tế với 25 triệu dân, chính quyền thành phố vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng: trước năm 2026, 90% dân số sẽ được kết nối 5G. Không chỉ dừng lại ở đó, Thượng Hải còn đẩy mạnh ứng dụng 5G-A (5G nâng cao), kết hợp sâu với AI, robot hình người và hệ thống năng lượng mới, tạo nền tảng cho các ngành công nghệ cao.
Hiện nay, Trung Quốc đang triển khai hàng loạt chương trình lớn với sự phối hợp của 11 bộ ngành nhằm tích hợp sâu 5G vào mọi lĩnh vực, từ tiêu dùng đến sản xuất, dịch vụ công. Hệ sinh thái 5G không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn mang lại những cơ hội mới cho hàng triệu người lao động.
Việc vượt mốc 1 tỷ thuê bao 5G đánh dấu bước tiến vượt bậc, khẳng định Trung Quốc là trung tâm đổi mới công nghệ không dây hàng đầu thế giới, đồng thời đặt nền móng cho cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu.