Lầu Năm Góc mới đây đã ra quyết định tạm dừng triển khai hợp đồng điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD cho đến khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hoàn tất những thủ tục kiểm tra cần thiết nhằm xác định xem liệu quy trình xử lý dữ liệu này có được thực hiện theo hướng có lợi cho Amazon hay không, đồng thời bỏ ngỏ về số phận của bản hợp đồng với giá trị khổng lồ này.
Cơ quan này cho hay tân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper sẽ xem xét lại quá trình đầu thấu sau khi có ý kiến phàn nàn của các công ty công nghệ, theo Bloomberg.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Elissa Smith cho hay Bộ trưởng Esper đang xem xét chương trình Liên doanh hạ tầng dữ liệu đám mây quốc phòng (JEDI) và sẽ không có quyết định nào được đưa ra cho đến khi ông Esper hoàn tất quá trình này. Quyết định trên được đưa ra sau khi ông Esper được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Trước đó, quá trình đấu thầu gói dự án điện toán đám mây khổng lồ này cũng đã gây tranh cãi rất lớn trong dư luận nhiều tháng qua. Có đầy đủ sự góp mặt của các ông lớn trong lĩnh vực điện toán đám mây ở giai đoạn nộp hồ sơ dự thầu, bao gồm Oracle, Microsoft, Amazon, IBM và Google. Sau thời gian ngắn nhận hồ sơ, Google là cái tên đầu tiên bỏ cuộc do sức ép quá lớn từ phía nhân viên cũng như mâu thuẫn nội bộ trong hội đồng quản trị công ty về vấn đề “đạo đức” nếu gã khổng lồ Mountain View tham gia vào dự án cung cấp công nghệ của mình cho quân đội nhằm mục đích phục vụ chiến tranh. Sau khi hàng loạt các cuộc đình công liên tiếp nổ ra trong nhiều ngày, CEO Sundar Pichai đã phải tuyên bố rút khỏi gói đấu thầu và gửi thư cho các nhân viên nhằm xoa dịu tình hình.
Amazon và Microsoft sau đó đã lọt danh sách cuối cùng đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho dự án này, trong khi Google từ bỏ nỗ lực đấu thầu. Đã nhiều ý kiến cho rằng quá trình đấu thầu có lợi cho Amazon -"gã khổng lồ" công nghệ có trụ sở tại Seattle, Mỹ.
Cụ thể, Oracle đã nghi ngờ vai trò của một nhân viên Amazon, vốn trước đây từng làm việc cho dự án JEDI, sau đó nghỉ việc tại Bộ Quốc phòng và quay trở lại làm việc cho Amazon Web Services -một công ty con của Amazon.
JEDI là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin của Lầu Năm Góc. Nói đơn giản hơn, là việc chuyển dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho một doanh nghiệp duy nhất thắng thầu, giúp dễ quản lý hơn và bảo mật tốt hơn.Quyết định trên khiến dự án không thể đi vào hoạt động vào tháng 8 này như dự kiến.
Trong trả lời phỏng vấn hồi năm ngoái, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đã bảo vệ vai trò của Amazon trong dự án trên, cho rằng đây là điều quan trọng trong việc hỗ trợ dự án quốc phòng Mỹ.
Bên cạnh dự án JEDI và bản hợp đồng 10 tỷ USD giữa Lầu Năm Góc và Amazon, ông Trump được cho là đã có những bất đồng lớn, công khai với Amazon và CEO Jeff Bezos. Vào tháng 12 năm ngoái, người đứng đầu Nhà Trắng đã cáo buộc Amazon lừa đảo người dùng dịch vụ Bưu chính với những nhập nhằng trong mức giá giao hàng. Gần đây, ông Trump cũng đã nhắc đến tờ báo The Washington Post (thuộc sở hữu của Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos) có mối quan hệ mờ ám với chính phủ Nga sau những hoạt động mà ông cho là “đi ngược lại lợi ích của Hoa Kỳ”.