Điện thoại màn hình gập thời gian qua đã được nhắc đến khá nhiều và được xem là thay đổi lớn tiếp theo về mặt thiết kế của smartphone. Nhưng tất cả các hãng công nghệ như Samsung hay Lenovo đều mới đưa ra các bản thử nghiệm. Samsung thậm chí đã phát triển các tấm nền AMOLED uốn dẻo từ đầu năm 2011 nhưng gặp phải rào cản lớn nhất đối với các smartphone màn hình gập là không chỉ mỗi màn hình cần phải có khả năng uốn dẻo, mà rất nhiều linh kiện bên trong máy cũng phải uốn dẻo được. Do vậy, để thiết kế được một thiết bị màn hình gập hoàn chỉnh, các nhà sản xuất sẽ cần một tấm PCB (mạch in) uốn dẻo, một viên pin uốn dẻo, và nhiều linh kiện khác.
Năm ngoái, có tin đồn cho biết Apple đang làm việc với LG về công nghệ màn hình uốn dẻo, nhưng theo nhà phân tích Merrill Lynch đến từ Bank of America, Apple đã chuyển sang hợp tác với các nhà cung cấp châu Á để thiết kế các linh kiện điện thoại có thể uốn dẻo. Bên cạnh đó, Apple đã đăng ký bản quyền cho sản phẩm điện tử mới có bộ phận gập linh hoạt cho phép gập thiết bị một cách dễ dàng. Các tin đồn trước đây cho rằng vào cuối năm 2018, Samsung sẽ trình làng smartphone uốn dẻo đầu tiên trên thế giới tiếp sau đó có thể Apple sẽ tung ra iPhone màn hình gập vào năm 2020.
iPhone màn hình gập có thể sử dụng như một chiếc smartphone khi gập lại và như máy tính bảng khi mở ra. Tuy nhiên, thay vì thiết kế gập mở từ trên xuống dưới, máy sẽ gập mở dạng ngang. Gần đây, Apple cũng đang nghiên cứu sản xuất màn hình microLED của riêng mình và dự kiến sẽ được áp dụng trên Apple Watch. Thiết kế smartphone màn hình gập đòi hỏi hình ảnh trên màn hình được tạo ra từ các điểm ảnh hiển thị độc lập. Và hiện chỉ có công nghệ màn hình microLED hoặc OLED mới làm được như vậy.