Quy định mới của Indonesia sẽ khiến Grab, Go-Jek tốn thêm chi phí hoạt động và chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý.
Indonesia và một số nước Đông Nam Á đang tìm cách quản lý các công ty gọi xe như Grab, Go-Jek, vốn bấy lâu nay cho rằng họ chỉ kinh doanh ứng dụng gọi xe và không sở hữu xe cũng như không thuê tài xế làm nhân viên chính thức nên không thể xem họ như là một công ty vận tải.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi hôm qua cho biết trong một cuộc họp báo, chính phủ Indonesia đã hoàn tất một quy định mới để yêu cầu các công ty gọi xe phải xin giấy phép từ Bộ. Các quy tắc mới sẽ được thảo luận với tất cả các bên liên quan trong những ngày tới.
Go-Jek và Grab là những nhà cung cấp dịch vụ gọi xe nổi tiếng ở quốc gia này.
Cục trưởng Cục Giao thông đường bộ Indonesia, Budi Setyadi nói rằng, một khi các công ty gọi xe được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải, họ phải tuân thủ các quy định áp dụng đối với một doanh nghiệp vận tải, chẳng hạn như các xe mà họ sử dụng phải được kiểm định theo định kỳ và tài xế của họ phải có giấy phép đặc biệt để lái xe vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho xe ô tô, chứ không dành cho xe máy.
Grab Indonesia từ chối bình luận và Go-Jek đã không trả lời yêu cầu bình luận ngay.
Năm 2016, Bộ Giao thông Indonesia đã ban hành một sắc lệnh để buộc các công ty gọi xe tuân thủ các quy định về an toàn. Tuy nhiên, sắc lệnh này vấp phải sự phản đối của công ty gọi xe. Năm ngoái, tòa án tối cao Indonesia đã hủy bỏ một số điểm trong sắc lệnh này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nước này cũng cam kết chính phủ Indonesia sẽ bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường gọi xe sau khi hãng Uber bán mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho đối thủ Grab.
Tuần trước, Ủy ban cạnh tranh của Singapore (CCS) cho biết họ đã bắt đầu điều tra thỏa thuận và các biện pháp tạm thời đề nghị Uber và Grab duy trì giá bán độc lập trước giao dịch.